Cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa xảy ra tai nạn: Đầu tư 7.600 tỷ, bị thanh tra 'vạch' loạt vi phạm
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khánh thành vào cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án từng bị Thanh tra Chính phủ vạch rõ hàng loạt vi phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.
Rà soát các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp.
Trong công điện, Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý việc bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước.
Trước đó, ngày 18/2, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô 7 chỗ va chạm với xe đầu kéo, gây hậu quả làm 3 người chết.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,35km thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn năm 2017-2022, được khánh thành vào cuối năm 2022.
Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối kết nối dự án La Sơn-Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Toàn tuyến có 33 cầu trên cao tốc, 16 cầu vượt ngang, 5 nút giao liên thông (nút giao Quốc lộ 9, Quốc lộ 15D, Tỉnh lộ 9B và Tỉnh lộ 11B, Quốc lộ 49 và Quốc lộ 1 tránh TP. Huế, Tỉnh lộ 14B). Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 m, bề rộng nền 23 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m.
Dự án đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà tỉnh Quảng Trị và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế; với tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Xuất hiện hàng loạt vi phạm
Hồi tháng 9 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ từng kết luận trong quá trình thi công dự án Cam Lộ - La Sơn, các gói thầu xây lắp đều bị chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã 5 lần gia hạn tiến độ thực hiện. Trong đó, có các gói thầu XL02, XL05, XL06, XL11 bị chậm tiến độ có liên quan đến việc thiếu vật liệu đất đắp nền đường và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phải bổ sung nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Các gói còn lại phần lớn được sử dụng đất đắp điều phối nội bộ từ nền đào.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án là do số lượng mỏ quy hoạch cung cấp cho dự án nhưng chưa cấp phép, đến khi khởi công dự án mới tiến hành cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác nên mất nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong khi thủ tục cấp phép phải qua 15 bước, thời gian thực hiện lên đến 405 ngày.
Cùng với đó là các bất cập, vướng mắc giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; giá nhiên vật liệu tăng (thép xây dựng tăng khoảng 18 - 22%, xăng dầu tăng khoảng 55% so với năm 2019 - năm phê duyệt dự toán). Ngoài ra, giá vật liệu (đất đắp) thực tế cao hơn so với giá công bố của tỉnh, nhà thầu thi công cầm chừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án.
Thanh tra Chính phủ cho rằng với tư cách chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông Vận tải đã có một số thiếu sót, vi phạm. Trong đó, công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác; một số mỏ có trong thiết kế nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới.
Một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công.
Thanh tra Chính phủ nhận định trách nhiệm của các thiếu sót nêu trên thuộc về các đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với UBND tỉnh Quảng Trị, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng theo quy định, chưa nộp hồ sơ đóng mỏ theo quy định, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, phí bảo vệ môi trường,…
Đối với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thanh tra Chính phủ nhận định tỉnh này chậm cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ theo nhu cầu, tiến độ của dự án; phê duyệt bổ sung quy hoạch thời gian kéo dài; việc ưu tiên trong cấp phép khai thác vật liệu cho nhà thầu thi công dự án chưa được chú trọng, ảnh hưởng tiến độ cung cấp cho dự án.
Việc cho phép Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất…
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu phục vụ dự án dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công. Xử lý nghiêm các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã để xảy ra sai sót trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án để xử lý theo quy định; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.