Cập nhật thông tin hai 'siêu' dự án hơn 85.000 tỷ đồng tại Hà Nội
Hai siêu dự án tại Thủ đô là cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5 có tổng mức đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng (hơn 3,4 tỷ USD).
Ngày 18/1 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinoconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào 2 dự án.
Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.000 tỷ đồng.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5km từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên); xây dựng cầu Tứ Liên với chiều dài 2,924km, trong đó cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ...
Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu depot. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.
Đại diện 2 doanh nghiệp cho biết, thông qua sự hợp tác này, Vinaconex, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Được biết, cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, dự kiến là cây cầu dây văng thứ 2 sau cầu Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với huyện Đông Anh - địa phương đang được quy hoạch lên quận và các tỉnh phía Bắc, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu còn lại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tại, phương án kiến trúc cầu Tứ Liên đã được TP. Hà Nội phê duyệt.
Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 từng được dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2026. Tuyến khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, dự án sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.
Quy mô dự án tuyến đường sắt đô thị số 5
Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Tháng 9/2023, dự án được phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Với quy mô đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị có quy mô vốn đầu tư lớn nhất trong số các tuyến metro đã hoàn thành bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Hà Nội.
Đáng chú ý, trong chuyến khảo sát Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại khu công nghệ cao Hòa Lạc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngay Bộ Giao thông Vận tải và TP. Hà Nội triển khai ngay tuyến đường sắt đô thị số 5 từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc để giải quyết vấn đề kết nối giao thông.