Cập nhật tiến độ tăng vốn của nhóm Big4 ngân hàng
Chính phủ vừa cập nhật tiến độ tăng vốn điều lệ của nhóm Big4. Việc tăng vốn điều lệ của nhóm này so với nhóm tư nhân lại diễn ra với tốc độ tương đối chậm.
Báo cáo trình Quốc hội của Chính phủ mới đây đã cập nhật tình hình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank (còn gọi là Big4).
Theo báo cáo, nhóm Big4 hiện vẫn là những điểm sáng với lợi nhuận tỷ USD nhưng việc tăng vốn điều lệ của nhóm này so với nhóm tư nhân lại diễn ra tương đối chậm do phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa 17.100 tỷ đồng. Trong đó, 6.753 tỷ đồng từ dự toán ngân sách trung ương năm 2023 và 10.437 tỷ đồng từ dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương năm 2024.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TTg vào tháng 12/2023 về việc giao bổ sung 6.753 tỷ đồng cho Agribank. Hiện vốn điều lệ của "ông lớn" này đã lên 41.000 tỷ đồng.
Còn đối với các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 như sau:
Với BIDV, ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1119/QĐ-TTg phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào BIDV thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
NHNN đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV tổ chức việc thực hiện tăng vốn điều lệ theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, BIDV cũng dự kiến tăng vốn điều lệ hiện tại là 57.004 tỷ đồng lên 70.624 tỷ đồng. Phương án tăng vốn của BIDV là sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%). Bên cạnh đó, ngân hàng phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 1.649 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025.
BIDV cũng đề xuất giữ lại một phần lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Được biết, lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 15.491 tỷ đồng, ngân hàng muốn giữ lại 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của BIDV ở mức 57.004 tỷ đồng, dẫn đầu trong nhóm Big4 và cao thứ hai ngành ngân hàng. Nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt thì thời gian tới, vốn điều lệ của BIDV có thể tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng.
Đối với Vietcombank, NHNN đang tổ chức lấy ý kiến các bộ liên quan về Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (20.695 tỷ đồng).
Như vậy, kế hoạch dự kiến được trình lên Chính phủ và Quốc hội thấp hơn so với kế hoạch tăng vốn khoảng gần 27.700 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của Vietcombank thông qua.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 hồi cuối tháng 4 vừa qua, Vietcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%. Theo tờ trình, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của ngân hàng này là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng. Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức.
Không chỉ Vietcombank, NHNN cũng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 (7.948 tỷ đồng).
Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 từng được ĐHĐCĐ của VietinBank thông qua có quy mô lên đến 12.330 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết hiện nhà băng này đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ (13.927 tỷ đồng).
Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ là bước đi tất yếu và cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch.
Thêm vào đó, việc tăng vốn cũng sẽ tạo ra dư địa về nguồn lực để các ngân hàng đầu tư cho các hệ thống công nghệ theo yêu cầu tất yếu của kỷ nguyên ngân hàng số nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.