Chậm đóng BHXH kéo dài, Bê tông Việt Tiệp làm ăn ra sao?
Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, CTCP Đầu tư xây dựng phát triển Việt Tiệp (Bê tông Việt Tiệp) có số tháng chậm đóng BHXH là 13 tháng với số tiền hơn 1,17 tỷ đồng.
Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN… từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 9/2024 (số liệu tính đến hết ngày 30/9/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/10/2024).
Trong danh sách công khai, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Việt Tiệp, địa chỉ tại Lô CC1, KĐT Tây Nam Kim Giang 1, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội có số tháng chậm đóng BHXH là 13 tháng với số tiền hơn 1,17 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Việt Tiệp được thành lập vào ngày 18/5/2015, địa chỉ trụ sở tại KĐT Tây Nam Kim Giang 1, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Người theo đại diện pháp luật là Nguyễn Văn Chín, sinh năm 1970.
Thời điểm thành lập công ty có vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Chín góp 4,95 tỷ đồng (tỷ lệ 55% vốn điều lệ), Nguyễn Đức Khánh góp 3,15 tỷ đồng (tỷ lệ 35%) và Nguyễn Thị Hường góp 900 triệu đồng (tỷ lệ 10%).
Tháng 7/2017, công ty tăng vốn điều lệ lên 29 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Chín góp 15,95 tỷ đồng (tỷ lệ 55%), Nguyễn Đức Khánh góp 10,15 tỷ đồng (tỷ lệ 35%) và Nguyễn Thị Hường góp 2,9 tỷ đồng (tỷ lệ 10%).
Đến tháng 10/2024, công ty thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Nguyễn Văn Chín sang Nguyễn Mạnh Trường, sinh năm 1998. Công ty vẫn đạt trụ sở tại địa chỉ Lô CC1, KĐT Tây Nam Kim Giang 1, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Tại thời điểm này, công ty đăng ký thuế 8 lao động.
Theo giới thiệu trên website, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Việt Tiệp (Bê tông Việt Tiệp) là nhà sản xuất bê tông thương phẩm hàng đầu Việt Nam. Hiện nay công ty đã trở thành đối tác quen thuộc trên địa bàn Hà Nội nói riêng và Miền Bắc nói chung.
Công ty hiện có 3 trạm trộn bê tông hoạt động. Cụ thể, trạm 01 đặt tại huyện Thanh Trì, Hà Nội với công suất của 2 cụm máy trộn công suất 150m3/h; trạm 02 đặt tại huyện Hoài Đức, Hà Nội với công suất hai cụm máy trộn là 200m3/h. Tiếp đó là trạm 03 đặt tại huyện Gia Lâm, Hà Nội có công suất trạm trộn là 160m3/h.
Các dự án có sự góp mặt của Bê tông Việt Tiệp tham gia như: Toà nhà hỗn hợp N01-T6.7; Toà nhà Samsung D&R Center; Khu đô thị Ecopark Văn Giang (Hưng Yên); Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony; Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2; Công trình AEON Mall Hà Đông,…
Bê tông Việt Tiệp kinh doanh ra sao?
Việc được chọn là đối tác thực hiện nhiều công trình với quy mô lớn giúp Bê tông Việt Tiệp ghi nhận doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bê tông Việt Tiệp năm 2023 đạt hơn 450,4 tỷ đồng, giảm 31,7% so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp đạt hơn 11,7 tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng gấp 4,4 lần từ 136,7 triệu đồng lên hơn 606,7 triệu đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính của công ty tăng gần 22% lên mức hơn 3,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,7% lên 6,8 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, Bê tông Việt Tiệp báo lãi sau thuế chỉ hơn 125,5 nghìn đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 báo lỗ hơn 83,4 triệu đồng. Được biết, năm 2021 công ty này báo lỗ lên tới hơn 717,4 triệu đồng.
Tổng cộng tài sản của Bê tông Việt Tiệp tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 597,9 tỷ đồng, giảm gần 239 tỷ đồng, tương đương mức giảm 28,5% sau 12 tháng. Chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 526,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Bê tông Việt Tiệp có hơn 1,3 tỷ đồng tiền mặt và hơn 1,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hơn 504,5 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 498,8 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Bê tông Việt Tiệp tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi con số này thời điểm đầu năm là hơn 103,9 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Bê tông Việt Tiệp tại ngày 31/12/2023 là hơn 569,5 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn với gần 567,1 tỷ đồng (chiếm 99,6% nợ phải trả). Tổng nợ vay của công ty hiện hơn 305,4 tỷ đồng, chiếm 53,6% nợ phải trả.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Bê tông Việt Tiệp là hơn 28,4 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty là gấp hơn 2 lần. Điều này cho thấy tài sản của công ty Bê tông Việt Tiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.
Về nguyên tắc, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của Bê tông Việt Tiệp âm 131,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 61,5 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty dương 133,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 61,8 tỷ đồng.