Chỉ 7 dự án đủ điều kiện mở bán, nguồn cung TP.HCM bằng 1/4 Hà Nội
Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP.HCM chỉ có 7 dự án với tổng 5.556 căn nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để mở bán. Con số này tương đương khoảng 25% nguồn cung của Hà Nội (22.000 căn)..
Trong tổng số căn đủ điều kiện mở bán, khoảng 77% là căn hộ chung cư cao tầng (4.318 căn) và chỉ 22% là nhà thấp tầng (1.238 căn).
Trong danh sách các dự án đủ điều kiện mở bán, phường Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7 cũ), chỉ có một dự án được đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai là khu dân cư hỗn hợp lô C12B-2, Khu A, đô thị mới Nam Thành phố với quy mô khiêm tốn gồm 12 căn.
TP. Thủ Đức (cũ) chiếm phần lớn nguồn cung với 5 dự án, đó là khu nhà ở cao tầng lô B5 – Khu Dân cư và Công viên Phước Thiện (phường Long Bình) với 1.952 căn nhà ở thương mại (căn hộ) hình thành trong tương lai thuộc đủ điều kiện bán

Khu chung cư đường Lò Lu (phường Long Phước) với 1.322 căn nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán do Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Trường Tín làm chủ đầu tư.
Khu nhà ở tại phường Bình Trưng Đông (nay là phường Bình Trưng) với 67 căn nhà ở thấp tầng (biệt thự) hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán nhà do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh nhà Đoàn Nguyên.
Khu cao tầng rộng 4,2777ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi (nay là phường Bình Trưng), theo hồ sơ đề nghị của Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Thái Bình về xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán đối với 1.044 căn hộ. vietnamfinance.vn
Khu nhà ở phường Bình Trưng Đông (nay là phường Bình Trưng) của Công ty TNHH Bất động sản Bình Trưng Mới, có 35/159 căn nhà ở thấp tầng tại dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Huyện Bình Chánh đóng góp vào nguồn cung với 24 căn nhà ở thuộc dự án khu nhà ở Nguyên Sơn do Công ty Cổ phần NNH Mizuki làm chủ đầu tư đủ điều kiện bán.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, hiện vẫn còn nhiều thách thức và cần được giải quyết trong quá trình thực thi Luật Đất đai năm 2024 nhằm phát triển nhà ở và thị trường BĐS.
Cụ thể, luật này chưa đồng bộ về pháp luật đất đai với pháp luật về nhà ở, kinh doanh BĐS và các văn bản dưới luật. Ví dụ như việc xác định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, hay việc tính toán nghĩa vụ tài chính về đất đai...
Giá đất tăng ảnh hưởng đến giá nhà ở và thị trường BĐS. Việc bỏ khung giá đất, bảng giá đất và quy định định giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có thể đẩy chi phí đầu vào của dự án tăng từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán nhà ở, dẫn đến nâng giá thị trường BĐS, gây khó khăn cho người mua nhà, đặc biệt là nhà ở thuộc phân khúc bình dân và nhà ở xã hội.
Việc xác định 'giá thị trường' đòi hỏi năng lực lớn từ cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của các bên liên quan; nếu không có cơ sở dữ liệu đủ lớn và chuẩn xác, việc định giá có thể bị lạm dụng hoặc thiếu minh bạch, dẫn đến tranh chấp; giá thị trường của từng địa phương khác nhau có nguy cơ dẫn đến việc các địa phương xác định giá đất cao để tăng thu ngân sách, hoặc giá bị phụ thuộc vào các yếu tố đầu cơ thị trường...
TP. HCM đang thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Luật quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành một phần đất để xây nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương. Tuy nhiên, việc tính toán, triển khai thực tế có thể gặp khó khăn, đặc biệt là ở những dự án, khu vực không phù hợp để xây nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, dù có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa đủ hấp dẫn so với các dự án nhà ở thương mại, dẫn đến việc thiếu động lực từ phía các nhà đầu tư.