Chi tiết về 5 cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng sắp được xây dựng ở Hà Nội

Để tạo ra “kỳ tích sông Hồng”, Hà Nội sẽ triển khai hàng loạt các cây cầu nghìn tỉ, như cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2, Tứ Liên... trong năm 2020. Nếu thực hiện đúng tiến độ đã đề ra, những dự án này sẽ tạo cú hích phát triển cho khu vực hai bên bờ sông Hồng của Thủ đô.

Loạt cây cầu triển khai trên Sông Hồng  
Loạt cây cầu triển khai trên Sông Hồng  

Cầu Trần Hưng Đạo

Điểm đầu dự án này nằm tại ngã năm nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); điểm cuối sau khi vượt qua đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5) sẽ kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng (quận Long Biên).

Cầu có chiều dài khoảng 5,5km, gồm: Cầu, đường dẫn và nút giao hai đầu cầu; trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4km.

Về quy mô, cầu có kinh phí dự kiến 9.000 tỷ đồng, cầu rộng 31m, bảo đảm 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.

Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Tedi
Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Tedi

Dự án có tổng cộng 5 nút giao, gồm: Nút giao đầu tuyến tại ngã 5 đường Trần Thánh Tông/Lê Thánh Tông, nút giao với đê Hữu Hồng (đường Nguyễn Khoái/Trần Khánh Dư), nút giao với trục đường quy hoạch phía Long Biên, nút giao với đê Tả Hồng (đê Long Biên - Xuân Quan/đường Cổ Linh),

Phương án thứ 2 cho cầu trần hưng đạo. Ảnh: Tedi. 
Phương án thứ 2 cho cầu trần hưng đạo. Ảnh: Tedi. 

Báo Người lao động dẫn lời KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, khi hoàn thành cầu Trần Hưng Đạo sẽ có tác dụng giải tỏa áp lực cho nội đô rất lớn, kết nối các vùng ven với nội thành nhanh chóng hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Vĩnh Tuy 2

Cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ có thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, nhằm hoàn thiện toàn bộ Vành đai 2 của thủ đô.

Điểm đầu tại Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối tại Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh).

Tổng mức đầu tư dự án là 2.538,1 tỷ đồng, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3,47km, quy mô 4 làn xe.  Thời gian thực hiện từ 2020 đến 2022.

Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2  
Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2  

Đây là dự án nhóm A, được UBND thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 này giúp cải thiện điều kiện khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Cầu Mễ Sở

Dự án này của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nguyên Minh.

Tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng, Theo đó, liên danh này đề xuất xây dựng dự án có chiều dài khoảng 13,8km, chiều rộng (giai đoạn 1) là 17m.

Điểm đầu dự án (Km0) là nút giao Quốc lộ 1A với đường vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Điểm cuối dự án (Km 13+176) là nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Cầu Mễ Sở theo quy hoạch.  
Cầu Mễ Sở theo quy hoạch.  

Địa điểm trạm thu phí tại phía Đông cầu Mễ Sở (khoảng km 9+400 thuộc địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mễ Sở và đường 2 đầu cầu là đoạn tuyến thuộc vành đai 4, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, địa điểm tại thành phố Hà Nội (đoạn từ Quốc lộ 1B đến hết cầu Mễ Sở) và tỉnh Hưng Yên (đoạn sau cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa giới tỉnh Hưng Yên).

Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo sự kết nối từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố, giảm ùn tắc giao thông.

Tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh phía Tây, Tây Bắc với các vùng kinh tế phía Đông; đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc đang được triển khai như tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình…

Cầu Ngọc Hồi

Theo quy hoạch, Cầu Ngọc Hồi sẽ nối huyện Thanh Trì với xã Văn Đức ,Gia Lâm, giáp thị trấn Văn Giang, Hưng Yên.

Với tổng mức đầu tư: 4.880 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, chiều dài lên tới 13,8km.

Vị trí cầu Ngọc Hồi sẽ được triển khai thi công (nguồn ảnh: quyhoach.hanoi.vn)  
Vị trí cầu Ngọc Hồi sẽ được triển khai thi công (nguồn ảnh: quyhoach.hanoi.vn)  

Ngày 4/4/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng kí ban hành Quyết định số 1572/QĐ-UBND về phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 6 đến điểm giao với cầu Ngọc Hồi dự kiến (đoạn giao với đê sông Hồng), tỉ lệ 1/500 tại quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Dự án này sẽ góp phần hoàn thiện giao thông cửa ngõ phía Nam thủ đô, cầu Ngọc Hồi nối với đường Hà Nội - Hưng Yên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Với quy hoạch trên, khi triển khai thi công cầu Ngọc Hồi thì tình trạng quá tải hiện nay ở cầu Thanh Trì sẽ giảm đi rất nhiều, các phương tiện lưu thông sẽ có thêm cung đường để lựa chọn.

Ngoài ra, còn có nhiều dự án được hưởng lợi từ quy hoạch cầu Ngọc Hồi, cũng như từ vành đai 3,5. Đơn đơn cử như dự án Tecco Tứ Hiệp, nằm ngay vành đai 3,5 dẫn lên cầu. Cách không xa là dự án Nhà xã hội IFC trên đường Trần Thủ Độ, cách 1km được người mua nhà rất quan tâm và đã “cháy hàng”

Cầu Tứ Liên

Cầu Tứ Liên nằm trong khu vực trung tâm, với điểm đầu là đường Nghi Tàm, Tây Hồ điểm cuối là điểm nối với QL3 hiện tại tại địa phận thị trấn huyện Đông Anh. 

Có tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng, chiều dài 4,8km, với quy mô 6 làn xe. Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm, từ 2020 đến 2024.

Phương án kiến trúc cầu Tứ Liên   
Phương án kiến trúc cầu Tứ Liên   

UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên, do Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam nghiên cứu.

Trong số các dự án sẽ được xây mới trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm, cầu Tứ Liên được coi là một điểm nhấn trọng yếu, vượt sông Hồng kết nối quận Tây Hồ với quận Long Biên và huyện Đông Anh, nối sân bay Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng, sẽ trở thành một trong số các tuyến giao thông chính cho người dân di chuyển từ khu vực huyện Đông Anh vào nội thành Hà Nội. Giảm tải trực tiếp mật độ giao thông cho cầu Chương Dương, Long Biên, Đông Trù hiện nay.

Với định hướng này, cầu Tứ Liên sẽ nằm ở vị trí trung tâm đô thị Hà Nội mở rộng, kết nối bờ đông với bờ tây sông Hồng, mở ra những cơ hội giao thương kinh tế lớn.

Kích thích tăng trưởng thành phố phía Đông Hà Nội

Bờ Đông sông Hồng sở hữu lợi thế khi chỉ cách Quận Hoàn Kiếm 1 cây cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu Đông vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, ngày 7/7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị thực hiện quy hoạch 2 bờ sông, với kỳ vọng sẽ tạo ra kỳ tích sông Hồng, thúc đẩy Bờ Đông trở thành “Thành Phố trung tâm phía Đông”.

Tổng cộng chi phí để có thể triển khai thi công toàn bộ các cây cầu này vào khoảng 1,4 tỷ USD (32.500 tỷ đồng ).

Với số tiền lớn như vậy, nhà nước quyết định chuyển giao cho nhà đầu tư thi triển khai dự án, đổi lại nhà nước sẽ đối ứng cho các chủ đầu tư quỹ đất khoảng 836ha nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm, Đông Anh và quận Long Biên. 

Có rất nhiều các nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia triển khai để đổi lấy quỹ đất trên như Sun Group, Vin Group, Him Lam…

Trong số các nhà đầu tư, Vin Group nổi lên là nhà đầu tư lớn với quỹ đất đối ứng lên đến 300ha nằm trên địa bàn xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh. Vin Group sẽ triển khai dự án Trung Tâm Triển Lãm Quốc Gia và dự án Vinhomes Cổ Loa tại khu vực này.

Một chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định: ”Câu chuyện tạo ra kỳ tích bờ Đông sông Hồng cũng tương tự như câu chuyện phát triển bờ Đông của sông Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Nếu như khu Đông của Sài Gòn chỉ cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh một con sông, thì bờ Đông của Hà Nội cũng chỉ cách quận Hoàn Kiếm đúng một cây cầu.

Cùng một câu chuyện,  khu Đông Hà Nội hiện nay là hình ảnh của khu Đông Sài Gòn 5 - 7 năm trước. Chỉ khi Hầm Thủ Thiêm được hình thành, bờ Đông Sài Gòn mới bùng nổ như hiện tại, bắt đầu tăng tốc để trở thành trung tâm thứ 2 của Sài Gòn với hàng loạt siêu đô thị được triển khai, giá đất bùng nổ cán mức 200 -300 triệu/ m2.

Khu Đông Hà Nội cũng vậy, hạ tầng được triển khai sẽ kéo hàng loạt siêu dự án về, tiện ích về. Và khu Đông sẽ trở thành một trung tâm thứ 2 của Hà Nội.

Theo Hà Lê (th)/ Sở hữu trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/chi-tiet-ve-5-cay-cau-nghin-ty-bac-qua-song-hong-sap-duoc-xay-dung-o-ha-noi-d82574.html