Chứng khoán SHS dùng “game” tăng vốn khủng để lấy tiền “đi buôn” chứng khoán
Những mã cổ phiếu mà Chứng khoán SHS nắm giữ có giá trị lớn nhất đến thời điểm 31/12/2021 là TCB và GEX.
Những dấu ấn thị trường chứng khoán năm 2021 và nửa đầu năm 2022
Năm 2021, và đặc biệt những tháng đầu năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng.
Thứ nhất, số tài khoản mở mới tăng mạnh, từ khoá “nhà đầu tư F0” được nhắc tới nhiều nhất so với những năm trước đó. Cùng với đó, một dòng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 được đổ vào thị trường, lượng cầu cổ phiếu tăng mạnh. Trong khi đó lượng cung cổ phiếu không kịp đáp ứng, và hệ quả là giá cổ phiếu tăng mạnh, quả bóng chứng khoán ngày càng bị thổi căng.
Thứ 2, khi lượng nhà đầu tư và dòng tiền liên tục đổ vào, thanh khoản thị trường cũng vì thế tăng theo, và hệ quả là xuất hiện liên tục tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán, càng thúc đẩy hiệu ứng tâm lý FOMO ở các nhà đầu tư - hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ - càng khiến nhà đầu tư không thể bình chân đứng ngoài. Và hệ quả cũng làm cho cái bong bóng chứng khoán ngày càng bị thổi căng.
Thứ 3, khi lượng cầu tăng, lượng cung cổ phiếu không đáp ứng được, dòng tiền lại càng đổ vào chính là thời điểm quả bóng chứng khoán căng nhất. Hệ quả, chỉ cần những tác động dù rất nhỏ, cũng dễ dàng làm biến dạng quả bóng chứng khoán. Và không ngoài dự đoán, những "tác động" đã bắt đầu xuất hiện.
Năm 2022 bắt đầu xuất hiện những “vết nứt”, đầu tiên là nhóm ngành bất động sản khi vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm bắt đầu, làm các cổ phiếu nhóm bất động sản giảm sàn la liệt. Tiếp đó là việc Tân Hoàng Minh bị huỷ phát hành 9 lô trái phiếu với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, là “phát súng” bắt đầu cho hàng loạt “vụ” liên quan phát hành trái phiếu được đưa ra, khiến kênh huy động vốn này bất ngờ bị chững lại. Chưa kể, khi đó các ngân hàng lại bắt đầu siết chặt tín dụng cho vay bất động sản, càng khiến giá cổ phiếu của những nhóm ngành liên quan giảm sàn liên tục. Ngoài ra, việc giá thép, vật liệu xây dựng tăng mạnh giai đoạn cuối 2021 đầu 2022 cũng là tiền đề cho việc giá cổ phiếu nhóm ngành này vụt tăng rồi lại giảm sâu khi giá thép được điều chỉnh. Chỉ số VnIndex đang phi nhanh, lên đỉnh trên 1.500 điểm rồi lại từ trên 1.500 điểm đã nhanh chóng lao dốc, về dưới 1.200 điểm.
Đi tìm nguyên nhân
Trên thực tế, cũng không thể đổ hết cho một tác nhân cụ thể nào liên quan đến những ảnh hưởng không tích cực lên thị trường chứng khoán thời gian qua. Tuy nhiên có thể khẳng định, việc nguồn vốn đổ vào thị trường một cách nhanh chóng, việc các nhà đầu tư F0 gia tăng chóng mặt là một trong những nguyên nhân chính. Số liệu từ VSD cho biết các nhà đầu tư cá nhân đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2021, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước đó.
Tiền đổ vào thị trường, ngoài nguồn lực tự có của các cá nhân, thì tiền vay ngân hàng, tiền vay các công ty chứng khoán mới chiếm số nhiều. Để có thêm dòng tiền, thu hút thêm các nhà đầu tư F0 mở tài khoản, các công ty chứng khoán đã không ngần ngại tiến hành tăng vốn “khủng”, nhanh chóng trong thời gian ngắn, đồng thời nới lỏng, và tạo nhiều điều kiện hấp dẫn để “hút” nhà đầu tư vay margin, tăng dòng tiền vào thị trường.
Chứng khoán SHS tăng vốn liên tục trong thời gian ngắn
Chứng khoán SHS cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng vốn khủng. Nếu như vốn điều lệ của công ty đến cuối năm 2018 chỉ hơn 1.100 tỷ đồng, thì năm 2019 tăng gấp đôi lên gần 2.300 tỷ đồng. Năm 2020 công ty không tiến hành tăng vốn. Những đợt tăng vốn dồn dập của Chứng khoán SHS diễn ra trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Từ mức vốn điều lệ gần 2.300 tỷ đồng đến cuối năm 2020, thì đến cuối năm 2021 vốn điều lệ công ty đã tăng thêm khoảng 63% lên 3.742 tỷ đồng.
Tỷ lệ tăng vốn của năm 2021 cũng còn không “nhanh” bằng năm 2022 khi ngay quý 2/2021 công ty đã tiến hành chào bán hơn 325 triệu cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên trên 6.500 tỷ đồng. Số tiền huy động được từ đợt chào bán này được dùng 60% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và 40% còn lại dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá.
Chưa dừng lại, mới đây SHS cũng đã thông qua phương án phát hành 163 triệu cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng tồng tỷ lệ 25%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên trên 8.100 tỷ đồng.
Chứng khoán SHS mang tiền đi “buôn” chứng khoán
Báo cáo tài chính năm 2021 của công ty cho biết, tổng dư cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán của công ty đến 31/12/2021 lên đến hơn 5.800 tỷ đồng, tăng 168% so với thời điểm đầu năm. Tiền từ các công ty chứng khoán đã đổ vào thị trường bằng con đường cho vay margin.
Báo cáo ghi nhận tổng tài sản công ty tại thời điểm cuối năm 2021 đạt hơn 10.900 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng tương ứng tăng khoảng 57% so với đầu năm, trong đó có trên 99% là tài sản ngắn hạn. Nếu tính chi tiết, các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm phải thu từ cho vay các dịch vụ tài chính, trả trước cho người bán… lên đến gần 6.780 tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng tài sản ngắn hạn của công ty.
Tổng giá trị giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư qua SHS năm 2021 đạt 353.100 tỷ đồng. Trong khi đó giá trị giao dịch cổ phiếu của chính SHS đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Chứng khoán SHS cũng giao dịch trái phiếu với tổng giá trị hơn 45.500 tỷ đồng trong năm 2021 – số khiêm tốn so với nhiều công ty chứng khoán khác.
Năm 2021 Chứng khoán SHS đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu như TCB, GEX, SSI, PET, SIP, VOC…, trong đó thời điểm 31/12/2021 số cổ phiếu TCB công ty đang nắm giữ có giá trị theo thị trường khoảng 2.200 tỷ đồng, chênh lãi so với giá mua khoảng 530 tỷ đồng. Giá trị số cổ phiếu GEX nắm giữ khoảng 580 tỷ đồng và chênh lệch lãi khoảng 170 tỷ đồng… Đi buôn chứng khoán cũng chính là mảng mang về lợi nhuận lớn nhất cho SHS trong năm 2021.