Chuyện buồn của CC1: Dòng tiền kinh doanh âm hơn 2.200 tỷ, ngày càng lệ thuộc vốn vay

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận năm 2024 có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước, song dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) âm tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đẩy công ty lún sâu hơn vào tình cảnh lệ thuộc vốn vay để cân đối dòng tiền hoạt động.

Doanh thu lập kỷ lục, biên lãi gộp đi lùi

Có một sự tương phản nổi bật khi nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2024 của CC1. Trong khi doanh thu thuần tăng tới 81% so với năm trước, đạt 10.157 tỷ đồng, lập kỷ lục mọi thời đại, thì biên lãi gộp lại suy giảm tới 1,08 điểm %, xuống mức 4,76%. Nếu xét riêng mảng xây lắp, biên lãi gộp chỉ là 3,88%, giảm 0,82 điểm % so với năm trước.

Sự suy giảm biên lãi gộp phản ánh hai điều. Một là CC1 suy giảm lợi thế đàm phán về giá với giới chủ và/hoặc hai là công ty kém về quản trị giá vốn. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng CC1 chủ động giảm biên lợi nhuận kỳ vọng để giành được nhiều dự án hơn – một hiện tượng cực kì phổ biến của ngành xây dựng trong những năm qua.

Dù biên lãi gộp suy giảm, nhưng do có doanh thu lớn, lãi gộp năm 2024 của CC1 vẫn rất cao, đạt 484 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Tuy vậy, kết năm 2024, lãi sau thuế cũng chỉ tăng 18%, đạt 259 tỷ đồng.

Nguyên do căn bản khiến lãi sau thuế của công ty không thể tăng mạnh như doanh thu hay lãi gộp là sự suy giảm của doanh thu tài chính. Cụ thể, năm qua, doanh thu tài chính của CC1 chỉ đạt 351 tỷ đồng, giảm 55%, chủ yếu là do công ty không còn ghi nhận khoản lãi “khủng” từ hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư như năm trước, bất chấp lãi từ tiền gửi/tiền cho vay đã tăng lên.

Bởi vậy, so với kế hoạch năm đầy tham vọng: doanh thu thuần 11.600 tỷ đồng, lãi trước thuế 590 tỷ đồng, CC1 chỉ hoàn thành được lần lượt 87,5% và 55%. Kết quả này phản ánh tình cảnh không như ý của công ty trong năm 2024. Trên thực tế, năm qua, CC1 cũng đã không thể chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE hay phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ như kế hoạch để tăng vốn chủ sở hữu. Và đây chính là một trong những yếu tố khiến công ty lún sâu vào việc lệ thuộc vốn vay.

Chuyện buồn của CC1: Dòng tiền kinh doanh âm hơn 2.200 tỷ, ngày càng lệ thuộc vốn vay - Ảnh 1

Lãi trên sổ sách, đẩy mạnh vay mượn

Một điều đáng quan ngại là dù ghi nhận lãi khá cao (259 đồng sau thuế, cao thứ 4 trong lịch sử doanh nghiệp, chỉ sau các năm 2021, 2015, 2014), nhưng lãi của CC1 lại chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Dòng tiền kinh doanh năm 2024 của CC1 âm rất nặng (-2.270 tỷ đồng), đánh dấu việc quay trở lại với quỹ đạo âm dòng tiền kinh doanh. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua (2020 – 2024), CC1 chỉ có duy nhất năm 2023 là dương dòng tiền kinh doanh.

Nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh của CC1 âm rất nặng trong năm 2024 là sự gia tăng của các các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tại ngày 31/12/2024, các khoản phải thu đạt 7.863 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản. Đây là tỷ trọng đáng quan ngại với một doanh nghiệp, kể cả trong ngành đặc thù như xây dựng.

Cơ cấu các khoản phải thu của CC1 có những điểm “mờ”, ví dụ khoản tạm ứng nhân viên lên tới hơn 100 tỷ đồng mà không có thuyết minh. Điều này khiến giới quan sát băn khoăn, nhất là trong bối cảnh dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã đạt mức 158 tỷ đồng.

Hàng tồn kho trong năm 2024 cũng tăng tới 60%, lên 1.487 tỷ đồng, chiếm 9% tổng tài sản. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 10%, lên 2.853 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản.

Như vậy, 73% tài sản của CC1 đang bị “chôn” ở các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Việc tiền bạc chảy vào các khoản trên, trong bối cảnh kế hoạch gọi vốn không thành, khiến CC1 phải rút tiền từ các khoản đầu tư về để bù đắp. Nhưng dòng tiền đầu tư chỉ như chút nước thấm môi khô, không đủ “giải khát”, công ty buộc phải gia tăng quy mô vay mượn. Dòng tiền thu từ đi vay năm 2024 vì vậy đã tăng vọt 79% so với năm trước lên 7.297 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Việc gia tăng vay mượn đã đẩy dư nợ vay tại ngày 31/12/2024 của CC1 lên 6.020 tỷ đồng, tăng tới 40% so với đầu năm, góp phần khiến tổng nợ phải trả tăng 13% lên 12.161 tỷ đồng, gấp 2,65 lần vốn chủ sở hữu.

Điều này có nghĩa, sau một năm 2024 giảm được 30% chi phí tài chính, rất có thể năm 2025, chi phí tài chính lại sẽ tăng lên, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, trừ phi CC1 có những bước đi giải quyết được tình cảnh lệ thuộc vào vốn vay.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt, nhờ dòng tiền đi vay rất lớn, CC1 tạm thời có được quỹ tiền tương đối dồi dào, đạt 2.710 tỷ đồng, tương đương 16% tổng tài sản. Cuộc chơi năm 2025, vì vậy, phần nào đỡ khắc nghiệt với đơn vị có lịch sử lâu đời hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam. Tất nhiên, chẳng ai đoán được gió sẽ thổi chiều nào.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance