Chuyên gia cảnh báo rủi ro, nguy cơ vỡ nợ cao khi sử dụng dịch vụ cho vay ngang hàng trực tuyến
Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hệ sinh thái tài chính số đang xuất hiện nhiều dịch vụ tài chính mới tiềm ẩn nguy cơ tỷ lệ vỡ nợ trung bình có thể cao hơn mức dự kiến khi lãi suất tăng mạnh hoặc tăng trưởng kinh tế giảm sâu.
Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, hệ sinh thái tài chính số đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên với sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc thanh toán.
Chủ thể cung ứng dịch vụ thanh toán tăng nhanh, thị phần đối với dịch vụ thanh toán số tăng trưởng mạnh, khuôn khổ pháp lý và các quy định đối với thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nhiều bước biến chuyển và hoàn thiện hơn của các loại dịch vụ tài chính số khác.
Đáng chú ý, các phân khúc dịch vụ tài chính số khác mới bắt đầu xuất hiện và đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Một số loại dịch vụ tài chính mới xuất hiện dựa trên nền tảng số (digital platforms) được biểu hiện thông qua hoạt động cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng.
Cho vay ngang hàng (P2P) đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 và ngày càng có nhiều công ty cung cấp nền tảng cho hoạt động này. Công nghệ bảo hiểm (InsurTech) được cung cấp bởi các công ty FinTech cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bằng mô hình bảo hiểm ngang hàng (peer to peer insurance).
Tiêu biểu là một số sản phẩm công nghệ bảo hiểm như ứng dụng InsurTech của Công ty cổ phần INSO Việt Nam và Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện cho phép người dùng có thể tự mua các gói bảo hiểm và yêu cầu bồi thường mọi lúc, mọi nơi mà không cần các loại giấy tờ, thủ tục; ứng dụng Probot, Chatbot, Matchbook của Prudential hay Timo của VPBank.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, hiện đang đặt ra một số vấn đề về rủi ro từ những sản phẩm tài chính mới.
“Đối với loại hình cho vay ngang hàng P2P, rủi ro vỡ nợ của người đi vay là không tránh khỏi. Một số nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến không công bố minh bạch dữ liệu về danh mục cho vay của họ. Các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến cũng chưa từng trải qua một chu kỳ kinh tế đầy đủ nào nên chưa có những điều chỉnh mặc định theo tính chu kỳ. Do đó, tỷ lệ vỡ nợ trung bình có thể cao hơn mức dự kiến khi lãi suất tăng mạnh hoặc tăng trưởng kinh tế giảm sâu”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Đối với dịch vụ gọi vốn cộng đồng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tỷ lệ rủi ro cao hơn so với cho các doanh nghiệp đã trong giai đoạn phát triển ổn định do rủi ro phá sản của các doanh nghiệp khởi nghiệp là 50-90%.
Những rủi ro này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự công bằng và hiệu quả của hoạt động thị trường. Không ít trường hợp tín dụng đen trá hình núp bóng các công ty FinTech, hoặc huy động vốn đầu tư kiểu đa cấp... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ gia đình. Nếu xảy ra ở quy mô lớn có thể đe dọa sự phát triển bền vững của nền tài chính nói chung.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đã tạo kẽ hở cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình cho vay P2P và huy động vốn cộng đồng để hoạt động “tín dụng đen” hoặc lừa đảo.
Luật pháp Việt Nam hiện chưa có quy định pháp lý về hình thức cho vay này nên hoạt động cho vay và huy động vốn vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho những người tham gia. Những quy định hiện nay về tín dụng cũng chưa phù hợp với mô hình hoạt động cho vay P2P, huy động vốn cộng đồng và cũng không phù hợp với các công ty cung cấp nền tảng đối với các dịch vụ này.
Môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng đối với các loại dịch vụ tài chính mới. Ví dụ như đối với tài sản mã hóa, hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý tài sản mã hóa và các hoạt động liên quan tại Việt Nam.
Do tài sản mã hóa chưa được công nhận tính pháp lý là phương tiện thanh toán, hay tài sản, hàng hóa, do đó việc áp dụng các chính sách thuế hay quản lý như một loại chứng khoán đối với hoạt động liên quan đến tiền điện tử đều không có cơ sở.
Đối với các nhà cung cấp, các công ty công nghệ, việc thiếu cơ sở pháp lý như trên làm tăng rủi ro pháp lý, khiến các công ty công nghệ sẽ tìm kiếm các quốc gia khác có môi trường pháp lý rõ ràng, an toàn hơn cho việc phát triển dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ sổ cái.
“Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các loại dịch vụ tài chính số mới, tăng cường việc hợp tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo… vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với công nghệ tài chính, phổ cập kiến thức tài chính”, bà Nguyệt khuyến nghị.