'Chuyện lạ' tại Sân bay Long Thành: Đòi rút ngắn tiến độ nhưng không cho điều chỉnh chi phí
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết tại dự án sân bay Long Thành, chủ đầu tư có chỉ đạo rút ngắn tiến độ so với hợp đồng đã ký nhưng chi phí không được điều chỉnh, bất chấp việc khi rút ngắn tiến độ, chi phí nhân công, chi phí ván khuôn, dàn giáo sẽ tăng vì phải quay vòng nhanh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp đã đại diện cho Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) gửi báo cáo đến lãnh đạo Chính phủ phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu xây dựng tại các công trình trọng điểm quốc gia và đề xuất biện pháp tháo gỡ.
Báo cáo đã nêu lên 4 vướng mắc lớn của các nhà thầu, gồm: quản lý mỏ vật liệu, cơ chế thanh quyết toán, nhân công và tín dụng.
Nhà thầu loay hoay với thủ tục mở mỏ vật liệu
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, một số nhà thầu được giao mỏ vật liệu san lấp, nhưng hiện lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục mở mỏ liên quan đến quy hoạch, cấp phép mỏ, xác định trữ lượng thực tế được thanh toán, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khu vực mỏ (trong ranh giới và ngoài ranh giới mỏ).
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan chức năng địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc thoả thuận về giá chuyển nhượng, thuê đất với chủ sở hữu mỏ còn khó khăn thiếu các hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định, hạch toán các chi phí mở mỏ và xác định được chính xác giá vật liệu đến công trình xây dựng.
Vì vậy, ông Hiệp kiến nghị 3 giải pháp. Một là UBND tỉnh nơi có mỏ vật liệu san lấp giao các sở ngành liên quan xây dựng cơ chế giao, mở mỏ và quản lý khai thác mỏ vật liệu khi giao cho các nhà thầu.
Hai là, đối với việc đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực mỏ vật liệu, các tỉnh có hướng dẫn cụ thể cho nhà thầu áp dụng khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh ban hành có xét đến việc áp dụng cho phần diện tích đất liền kề ngoài ranh giới mỏ.
Ba là các khoản thuế, phí sử dụng khai thác mỏ phải được xác định cụ thể trên cơ sở rà soát, điều chỉnh hồ sơ khảo sát về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác vật liệu của mỏ; trường hợp khối lượng, trữ lượng thực tế khác với hồ sơ khảo sát ban đầu, cần có cơ chế hoàn lại cho các nhà thầu. Mức đánh thuế tài nguyên đối với vật liệu khai thác cũng cần được rà soát, kiểm tra, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương nơi có mỏ vật liệu.
Bất cập về đơn giá định mức
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, các dự án trọng điểm quốc gia hiện nay đều là các dự án đầu tư công dùng vốn nhà nước. Do đó, việc thanh toán đều dựa trên cơ sở hệ thống đơn giá định mức do nhà nước ban hành và các quy định trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.
Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã rất cố gắng cập nhật, bổ sung hệ thống định mức đơn giá theo yêu cầu của thị trường (gần đây nhất là Thông tư 09 của Bộ Xây dựng bổ sung 250 định mức) tuy nhiên do công nghệ xây dựng luôn đổi mới nên việc đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của thị trường về hệ thống định mức, đơn giá là điều khó thực hiện, đặc biệt là các định mức chuyên ngành, ví dụ định mức về cầu dây văng, về khoan cọc nhồi…
Ngoài ra, việc áp dụng bộ đơn giá xây dựng của địa phương nơi có công trình công bố rất bất cập, do đơn giá này thường thấp hơn giá thật phải mua khoảng 10 -15%. Đó là chưa kể đơn giá nhân công cũng cách rất xa chi phí nhân cộng thật nhà thầu phải chi trả.
Do đó, ông Hiệp kiến nghị các bộ ngành tiếp tục khẩn trương thực hiện việc rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống định mức áp dụng cho các dự án, công trình trọng điểm; trong đó đặc biệt chú ý việc xây dựng các định mức chuyên ngành và các định mức liên quan đến khối lượng lớn cho các nhà thầu.
Về cơ chế vận dụng, ông Hiệp đề xuất cần có sự linh hoạt, sát thực tế, tránh thiệt thòi cho các nhà thầu. Ví dụ dự án sân bay Long Thành, ông Hiệp cho hay, chủ đầu tư có chỉ đạo rút ngắn tiến độ so với hợp đồng đã ký nhưng chi phí không được điều chỉnh, bất chấp việc khi rút ngắn tiến độ, chi phí nhân công, chi phí ván khuôn, dàn giáo sẽ tăng vì phải quay vòng nhanh.
Một thực tế khác là theo định mức ban đầu, hồ sơ thiết kế Long Thành là nền sử dụng cát đen nhưng khi thi công không có cát đen cung cấp, phải dùng cát nhân tạo. Hiện nay, mặc dù đã lợp mái, dựng xong kết cấu thép nhưng nhà thầu vẫn không có định mức để lập hồ sơ thanh toán.
Ông Hiệp đề nghị Bộ Xây dựng có cơ chế kiểm tra giám sát thường xuyên sự phù hợp thực tế của bộ đơn giá xây dựng do các địa phương ban hành, đặc biệt đơn giá tiền lương hiện nay chỉ bằng 60% - 70% tiền lương thực tế cần sớm được điều chỉnh.
Ông cũng kiến nghị không nên ban hành định mức dự toán chi tiết như hiện nay mà xây dựng hệ thống định mức – đơn giá tổng hợp để xác định giá gói thầu, tổng dự toán, tổng mức đầu tư. Mặt khác, ông đề nghị nhà nước cần từng bước xoá bỏ cơ chế 2 giá trong ngành xây dựng (giá công trình vốn nhà nước và công trình vốn ngoài nhà nước).
Nhức nhối chuyện bất bình đẳng chủ đầu tư – nhà thầu
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, trong lĩnh vực xây dựng nói chung hiện vẫn tồn tại sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng. Thủ tục điều chỉnh hợp đồng, thanh toán khối lượng phát sinh cũng còn nhiều rắc rối, phức tạp. Thậm chí, có tình trạng nhiều chủ đầu tư tạm giữ một phần thanh toán gói thầu của các nhà thầu để chờ quyết toán dự án mà thời gian chờ đơi quyết toán có khi lên đến hàng chục năm như gói thầu đường 5 của Tổng công ty 319 (bị giữ 27 tỷ đồng trong khi giá trị gói thầu có 300 tỷ đồng).
Vì thế, ông Hiệp đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc đảm bảo sự bình đằng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu, đặc biệt về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng.
Ông cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm “cứu” các nhà thầu thoát khỏi cảnh nợ đọng xây dựng do các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách chây ì trong thanh toán bằng biện pháp: phần 20% cuối cùng của hợp đồng các chủ đầu tư phải có bảo lãnh hoặc chí ít cũng phải có xác nhận khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư mới được nghiệm thu tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng.
Về cơ chế tạm ứng, ông Hiệp kiến nghị đối với các gói thầu phải nhập khẩu các vật tư từ bên ngoài, cần tăng mức tạm ứng lên 15%-20% tuỳ điều kiện. Ông cũng kiến nghị chủ đầu tư, bên giao thầu không giữ lại phần giá trị thanh toán các gói thầu để chờ quyết toán cả dự án hoàn thành (khoảng 3%).
Ngoài ra việc giữ lại nghĩa vụ bảo lãnh chỉ thực hiện ở lần thanh toán cuối cùng. Đi liền với đó là đề nghị bổ sung quy định về quy trình xác định và thanh toán khối lượng phát sinh gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn.
Về hồ sơ tư vấn, ông Hiệp cho rằng phải đi trước một bước, cả khâu khảo sát và lựa chọn tư vấn có chất lượng để hồ sơ ít sai sót nhất, tránh được các phát sinh và chờ đợi khi thi công (như hiện nay ở dự án Long Thành nhà thầu cất nóc nhưng phải chờ thiết kế cơ điện, lắp đặt thiết bị).
Đề nghị vay vốn với lãi suất 4%
Ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu thực tế, đặc điểm, yêu cầu của ngành xây dựng đòi hỏi các nhà thầu phải chuẩn bị trước vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình với giá trị lớn. Trong khi đó, nhà thầu chỉ được tạm ứng 10% và điều kiện vốn pháp định của doanh nghiệp xây dựng còn hạn chế. Vì vậy việc tiếp cận sử dụng nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại là yêu cầu chung của tất cả các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.
Tuy nhiên do mức lãi suất vay vốn trung hạn còn cao, các thủ tục ký quỹ, đảm bảo vốn vay còn phức tạp nên nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các chi phí lãi vay và các loại phí còn lớn là gánh nặng cho các nhà thầu.
Do đó, ông Hiệp kiến nghị bổ sung quy định về thủ tục ký quỹ, tài sản đảm bảo trong các giao dịch của nhà thầu với ngân hàng bằng hợp đồng xây dựng đã ký với các chủ đầu tư, giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành được nghiệm thu hoặc giá trị mà chủ đầu tư chưa thanh toán cho nhà thầu làm tài sản thế chấp vay vốn.
Ông cũng đề nghị được áp dụng lãi suất vay ngắn 4%/năm đối với các dự án trọng điểm; bên cạnh đó đề nghị ngân hàng rà soát lại một số quy định về hạn mức và mức phí của các loại bảo lãnh trong quá trình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu xây dựng.
Xin cơ chế khuyến khích lao động xây dựng
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, ngành xây dựng có đặc thù là 70% lao động nông nhàn, nhưng hiện nay toàn bộ công ty xây dựng đều rất khó tuyển người. Nguyên nhân là sau Covid 19 và mưa bão, lao động nông nhàn đều muốn làm việc gần nhà trong các khu công nghiệp.
Vì vậy, ông kiến nghị Chinh sphur cần có cơ chế khuyến khích lực lượng lao động nông nhàn bằng việc không thu thuế thu nhập cá nhân đối với lao động ngắn hạn để tăng thu nhập, động viên người lao động gắn bó với công trình đồng thời sớm điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng; tổ chức lại hệ thống các trường nghề theo phương thức xã hội hoá trong đó khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng lớn đứng ra chủ trì.