Chuyện thật như đùa tại OceanBank: CUD mang tài sản đã thế chấp đi góp vốn đầu tư và cú “lách qua khe cửa” ngoạn mục của đại gia Đỗ Vũ Diên?
Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD). Việc ngân hàng đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu là chuyện hết sức bình thường nhưng có lẽ không ít người sẽ phải “té ngửa” khi nghe những “uẩn khúc” đằng sau khoản nợ này của CUD.
Lần thứ 4 rao bán nợ xấu mà vẫn “ế”
Được biết, đây là lần thứ 4 OceanBank rao bán khoản nợ của CUD, trước đó vào tháng 3/2022, ngân hàng này cũng đã thông báo đấu giá khoản nợ này. Nhưng cũng giống những lần rao bán trước đó, tìm người mua lại khoản nợ này chẳng khác nào việc OceanBank đang “mò kim đáy bể”.
Theo thông báo của OceanBank, mức đấu giá lần này là 692,7 tỷ đồng (tức giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần đầu rao bán vào cuối tháng 3).
Theo đó, khoản nợ xấu này của CUD phát sinh theo Hợp đồng tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 07/8/2007 giữa Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay đổi tên là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương) và Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị với tổng nghĩa vụ nợ là 807,9 tỷ đồng (trong đó, nơ gốc chỉ là 229,8 tỷ đồng còn lại tổng lãi, phạt là 578,1 đồng).
Tuy nhiên, điều khiến thương vụ này nhận được sự quan tâm đặc biệt không phải là giá trị hay số lần rao bán khoản nợ mà chính là cái gọi là nguồn gốc của khoản nợ này.
Cụ thể, theo thông báo của OceanBank, tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ tài sản gắn liền với hơn 50 ha đất thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD) trong thời hạn đến ngày 3/2/2054 tại xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tài sản gắn liền đất gồm các tài sản đã và đang hoặc sẽ hình thành trong tương lai, bao gồm sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác,…
Được biết, đây là tài sản thế chấp thuộc Hợp đồng thế chấp tài sản số 0028(2)/2014/HĐTC-OCEANBANK ngày 05/8/2014 giữa OceanBank và CUD; đồng thời cũng là một phần tài sản thế chấp còn lại của các hợp đồng thế chấp số 01.01/099-2007-HĐTC-OJB ngày 07/08/2007; số 0067/2012/HĐTC-OCEANBANK01 ngày 21/08/2012 và số 0028(1)/2014/HĐTC-OCEANBANK ngày 30/6/2014 giữa OceanBank và CUD.
Đáng chú ý, khu đất nói trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư xây dựng dự án sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên từ năm 2014 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 sân golf và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên (lần 1) năm 2013. CUD là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngân hàng OceanBak quá “thờ ơ” với hợp đồng thế chấp của mình?
Theo Báo cáo tài chính 2016 của OceanBank đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH kiểm toán TTP, câu chuyện bắt đầu từ dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc, theo thông tin mà OceanBank cho biết, ngày 26/11/2009, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch Sân Golf đến năm 2020. Trong đó, dự án của CUD thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị. Vì vậy, CUD đã dùng các tài sản là sân golf góp vốn vào pháp nhân mới để vận hành, quản lý khai thác phần sân golf, với danh xưng Công ty cổ phần Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc (Công ty Đầm Vạc). Công ty hoạt động vào năm 2011 và có cùng địa chỉ với CUD.
Các cổ đông của CUD đã cùng thỏa thuận thành lập pháp nhân mới quản lý khai thác phần Sân Golf theo hướng dẫn củ UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi pháp nhân mới thành lập, các cổ đông cũ và cổ đông mới tại CUD đã hoán đổi cổ phần tại Công ty Đô thị sang cổ phần của công ty Đầm Vạc.
Việc hoán đổi cổ phần này, tại Công ty Đô Thị đã phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông hoán đổi chuyển sang cổ đông Công ty Sân Golf với số tiền 276,7 tỷ đồng.
Như vậy, với nội dung như trên, có thể thấy CUD đã mang toàn bộ tài sản thế chấp tại Ngân hàng OceanBank để góp vốn vào Công ty cổ phần Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc, đồng thời đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn của mình tại Công ty Đầm Vạc cho các tổ chức, cá nhân khác.
Quay trở lại với khu đất 50 ha được mang ra làm tài sản đảm bảo, vào 25/1/2005 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Dự án xây dựng sân Golf – Biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 404/QĐ-UB ngày 03/2/2005 về việc duyệt giao đất cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị đầu tư để xây dựng sân Golf – biệt thự nhà vườn Nam Đầm Vạc tại phường Khai Quang và xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Và rất nhiều các quyết định khác liên quan dự án của CUD được ban hành.
Như đã đề cập ở đầu bài, OceanBank và CUD đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 07/8/2007. Như vậy hợp đồng tín dụng này giữa các bên được ký sau hai năm kể từ thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc quyết định giao đất cho CUD làm dự án. Theo thống kế tại bản báo cáo rao bán khoản nợ lần thứ 4 của OceanBank, kể từ thời điểm ký hợp đồn tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 07/8/2007 giữa ngân hàng này và CUD đã phát sinh rất nhiều giao dịch đều thuộc hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Nên lưu ý rằng các hợp đồng thế chấp của OceanBank đã được đề cập ở trên diễn ra vào các năm 2007, 2012 và 2014 với rất nhiều hồ sơ và số tiền giải ngân lên đến hàng trăm tỷ mỗi lần. Tuy nhiên tại sao đến tận năm 2016, OceanBank mới phát hiện ra là tài sản thế chấp của mình đã được CUD mang đi đầu tư vào công ty Đầm Vạc. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu có phải OceanBank đang “vô trách nhiệm” với các hợp đồng thế chấp của mình, và cứ thế “đóng dấu” giải ngân mà không cần quan tâm nội dung, mục đích giải ngân là gì?.
Đại gia Đỗ Vũ Diên “lách qua khe cửa”, “ung dung” hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng?
Ông Đỗ Vũ Diên (sinh năm 1975), được biết đến là một đại gia có tiếng trên thương trường, người đứng sau hệ sinh thái My Way Group, một tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Chưa kể, vị doanh nhân sinh năm 1975 này cũng có tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc (nhân tố chính trong thương vụ đầy tai tiếng giữa CUD và OceanBank). Ghi nhận tại thời điểm 25/09/2014, ông Diên sở hữu 0,5% cổ phần tại đơn vị này.
Quay trở lại với việc tại sao lại nói đây là thương vụ “lách qua khe cửa” ngoạn mục của đại gia Đỗ Vũ Diên.
Nên bắt đầu từ Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển Đô thị (CUD), doanh nghiệp được thành lập ngày 16/4/2004, trụ sở chính tại phố Đình Ấm, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Tại ngày 19/08/2016, vốn điều lệ CUD đạt 110 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Tài chính và Đầu tư Gia Phát sở hữu 40,23%, Công ty CP Sao Phương Nam sở hữu 9%, Công ty CP Đầu tư và Phát Triển Đô thị Phố Wall sở hữu 13%, ông Lê Kiên Thành sở hữu 1,37%, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm sở hữu 6,2% và các cổ đông khác nắm giữ hơn 30% còn lại.
Điều đáng nói là trước thời điểm năm 2016 (cũng là thời điểm thương vụ đình đám trên giữa CUD và OceanBank diễn ra) ông Đỗ Vũ Diên giữ chức Tổng Giám đốc của CUD và cũng là người đại diện ký các tờ đơn đăng ký giao dịch đảm bảo ký giữa CUD, OceanBank và Trung tâm đăng ký tài sản đảm bảo liên quan đến các tài sản thế chấp nói trên.
Kể từ sau năm 2016, ông Đỗ Vũ Đạt (SN 1984), là em trai của ông Đỗ Vũ Diên đã thay thế giữa chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CUD. Nói đến đây, ta có thể thấy những “toan tính” của đại gia Đỗ Vũ Diên phần nào được hé lộ.
Và theo thông tin tại bản đăng ký bán đấu giá nợ xấu của OceanBank thì ngân hàng đã khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị khi không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp. OceanBank đã yêu cầu CUD trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện được.
Liệu rằng, việc ông Đỗ Vũ Diên rút khỏi Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị kể từ thời điểm năm 2016 đã nằm trong tính toán của đại gia sinh năm 1975 này?
“Tay không” thâu tóm dự án?
Kể từ khi rời CUD, ông Diên còn được biết đến với vai trò cổ đông sáng lập, chủ tịch HĐQT và là người pháp luật Công ty Cổ phần Vườn Thời đại Việt Nam (Times Garden Việt Nam) – doanh nghiệp vừa đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ lập quy hoạch các dự án bất động sản với tổng diện tích 4.000 ha tại Lâm Đồng hồi đầu năm.
Đáng chú ý hơn nữa là trên website chính thức của Times Garden Việt Nam có giới thiệu dự án Khu đô thị nhà vườn Times Garden Vinh Yen Residences do chính CUD làm chủ đầu tư.
Dự án được giới thiệu, nằm giữa 2 khu đô thị hàng đầu Vĩnh Phúc đó là KĐT sinh thái Nam Đầm Vạc và khu đô Vĩnh Yên với các căn cứ pháp lý gồm Giấy chứng nhận đầu tư thông tin chi tiết theo quyết định số 3349/QD UB; Quyết định số 1634/QĐ – UBND ngày 11/7/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Phê duyệt điều chỉnh QHCTXD TL1/500 khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc; Quyết định số 2469/QĐ – UBND ngày 15/9/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Điều chỉnh việc giao đất thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc do chính Công ty cổ phần xây dựng và Phát triển đô thị (CUD) làm chủ đầu tư.
Vậy thì tại sao, Times Garden Viet Nam của đại gia Đỗ Vũ Diên lại giới thiệu dự án Times Garden Vĩnh Yên do CUD làm chủ đầu tư. Giữa CUD và Times Garden Việt Nam có mối liên hệ gì? Liệu thời điểm còn đương nhiệm tại CUD, ông Đỗ Vũ Diên đã một tay qua mặt OceanBank để rồi tay không “thâu tóm” dự án về tay mình, trong khi OceanBank đang “ròng rã” giao bán khoản nợ của CUD để lại mà không ai mua?.
Xem thêm: OceanBank chưa tìm được chủ sở hữu khoản nợ hơn 800 tỷ, sân golf Đầm Vạc đấu giá đến bao giờ?