Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: OceanBank rao bán chủ dự án sân golf Đầm Vạc, ACB đứng đầu doanh thu phí bảo hiểm
Tuần qua, loạt tin ngân hàng như: ACB dẫn đầu về doanh thu phí bán bảo hiểm qua ngân hàng 4 tháng đầu năm; Ngân hàng sẽ không được cho vay...
Ngân hàng sẽ không được cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua là vấn đề cho vay bất động sản. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Cụ thể, NHNN cấm các TCTD cho vay vốn để góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ hoặc không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Theo lý giải của NHNN, đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh không hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn: Việc đánh giá phương án khả thi và khả năng trả nợ của khách hàng là rất khó do hiệu quả của phương án được xác định bởi khoản lợi tức cố định do bên nhận góp vốn cam kết trả cho khách hàng, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của bên nhận góp vốn và nguồn trả nợ của khách hàng được thẩm định, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của bên nhận góp vốn.
Trường hợp việc xác định vốn vay được sử dụng đúng mục đích được thực hiện, nhưng sau khi giải ngân vào tài khoản của bên nhận góp vốn, một số trường hợp TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn, NHNN cho rằng, thực tế cho thấy doanh nghiệp không có nhân sự có kinh nghiệm, không có máy móc, phương tiện hoạt động thi công công trình; không có tài sản cố định phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh, không có khả năng tài chính cũng như năng lực thực hiện dự án/phương án... Trong khi đó, TCTD thực hiện thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay thiếu chặt chẽ...
Về cho vay hoàn vốn tự có, NHNN cho rằng, việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay và tính xác thực của các giao dịch mà TCTD tài trợ trong thực tế; TCTD sẽ không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân.
Về cho vay thanh toán tiền đặt cọc: TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên hầu hết các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sau khi TCTD cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
ACB dẫn đầu về doanh thu phí bán bảo hiểm qua ngân hàng 4 tháng đầu năm
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Ngân hàng Á Châu (ACB) đã vươn lên và xếp vị trí thứ nhất về doanh thu phí bảo hiểm (APE) 4 tháng đầu năm với tổng phí APE là 565 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngân hàng đứng thứ 5 xét về doanh thu phí bảo hiểm khoảng 1.300 tỷ đồng.
ACB đã ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Sun Life vào năm 2020 và theo chuyên gia phân tích củaYuanta Việt Nam với vị thế là một ngân hàng bán lẻ "thực thụ" ACB có lợi thế vượt trội trong việc bán chéo bảo hiểm bancassurance.
Theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, tập khách hàng chất lượng của ACB sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm trong thời gian tới.
Đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm là Ngân hàng Quân đội (MB).
Lợi nhuận ngân hàng tăng nhờ ký kết hợp tác bảo hiểm độc quyền
Theo báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng một số ngân hàng có thể có tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong thời gian tới nếu các kế hoạch ký kết hợp tác bảo hiểm thành công.
Cụ thể, ngân hàng VIB đang đàm phán lại giá trị hợp đồng độc quyền bảo hiểm với Prudential, HDBank ký đàm phán hợp đồng độc quyền bảo hiểm với đối tác. Trong khi đó, hợp đồng giữa LienVietPost Bank và Dai-ichi Life hết hạn trong tháng 5/2022, vì vậy việc ký kết hợp đồng độc qyền sẽ hoàn tất trong tháng 6/2022.
Trong năm 2021, lợi nhuận chứng khoán kinh doanh cao. Tuy nhiên trong năm nay, khi môi trường lãi suất đang có xu hướng nhích tăng, lợi nhuận này có thể sẽ sụt giảm.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng khả quan với tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, đạt mục tiêu đầu năm khoảng 14%. Tuy nhiên, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng tín dụng đã tăng khả quan lên 8,15% vào đầu tháng 6 và tăng 17,09% so với cùng kỳ. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, tổng tín dụng đã tăng trung bình 1,5%/tháng so với tốc độ trung bình 1% cùng kỳ năm ngoái.
Vì vậy, các chuyên gia của Agriseco kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực khi nền kinh tế đang dần hồi phục, đặc biệt với gói hỗ trợ lãi suất 2%.
OceanBank bán nợ hơn 800 tỷ đồng của chủ dự án sân golf, biệt thự ở Vĩnh Phúc
Tin ngân hàng tiếp theo là sự kiện OceanBank thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD). Khoản nợ xấu của CUD tại OceanBank phát sinh theo hợp đồng tín dụng từ tháng 8/2007. Tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 7/4 là hơn 807,9 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chiếm 229,8 tỷ đồng, còn lại là tổng tiền lãi và tiền phạt.
Giá khởi điểm đấu giá tài sản OceanBank đưa ra là 692,7 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 khoản nợ này được rao bán, mức đấu giá lần này giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần đầu rao báo vào cuối tháng 3.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ tài sản gắn liền với hơn 50 ha đất thuộc quyền sử dụng của CUD trong thời hạn đến ngày 3/2/2054 tại xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tài sản gắn liền đất gồm các tài sản đã và đang hoặc sẽ hình thành trong tương lai, bao gồm sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác...
Khu đất nói trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư xây dựng dự án sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên từ năm 2014 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 sân golf và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên (lần 1) năm 2013. CUD là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Rút tiết kiệm một phần trước hạn vẫn được hưởng lãi cao
Tin ngân hàng tiếp theo gây chú ý thị trường tài chính - ngân hàng liên quan đến lãi suất tiết kiệm.
Theo đó, NHNN ban hành Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một trong những thay đổi quan trọng theo Thông tư 04, đó là trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn tiền gửi.
Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng với khoản tiền gửi rút trước hạn một phần.
Thông tư áp dụng đối với 4 hình thức đó là tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại luật các tổ chức tín dụng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ban hành ngày 10/03/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng.
Vừa khởi động lại kênh hút tiền, NHNN đã rút gần 50.000 tỷ đồng khỏi hệ thống
Sau phiên chào thầu tín phiếu quy mô 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và chỉ có 200 tỷ đồng khớp (hút về) với lãi suất trúng thầu 0,3%/năm vào ngày 21/6, thì liên tiếp trong phiên 22/6 và 23/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về lần lượt 19.400 tỷ và gần 30.000 tỷ với lãi suất lên tới 0,7% dù cùng loại tín phiếu kỳ hạn 7 ngày.
Như vậy, đã có gần 50.000 tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng được NHNN hút bớt về thông qua kênh tín phiếu chỉ trong 3 phiên giao dịch vừa qua. Con số này đi cùng lãi suất trúng thầu tăng mạnh trong 2 phiên gần nhất cho thấy hoạt động hút tiền của nhà điều hành là rất quyết liệt.
Nếu tính thêm lượng tiền hút về qua kênh bán ra ngoại tệ kỳ hạn, lượng thanh khoản mà Ngân hàng Nhà nước đã và dự kiến rút ra khỏi hệ thống là rất lớn.
Báo cáo phân tích mới công bố của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, NHNN đã bán ra khoảng 7 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang. Con số này theo cập nhật của một chuyên gia phân tích đã lên tới khoảng 11 – 12 tỷ USD, tương đương 256.000 – 279.000 tỷ VND sẽ được rút về khi tới kỳ hạn thanh toán.