Cổ phiếu bất động sản trải qua một tuần đầy sóng gió
Tuần giao dịch khá “sóng gió” đối với thị trường chứng khoán Việt đã qua đi. Các thông tin về việc bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng như kỷ luật lãnh đạo của ngành chứng khoán ảnh hướng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, những lo ngại phần nào được xóa đi khi ở phiên cuối tuần thị trường lại có biến động khởi sắc.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 17,94 điểm (+1,2%) lên 1.516,44 điểm. HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%) xuống 117,19 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh cũng được cải thiện tuy vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần nhưng đã cho thấy là dòng tiền đang đổ vào thị trường mạnh hơn.
Tuy nhiên các nhóm ngành cổ phiếu lại có sự phân hóa. Trong đó, bất động sản là một trong những nhóm ngành giao dịch có phần tiêu cực nhất. Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong tuần từ 28/3 – 1/4 có tổng cộng 78 mã giảm trong khi chỉ 37 mã tăng giá.
Bộ đôi cổ phiếu cùng “hệ sinh thái” là FLC của Tập đoàn FLC và AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone giảm rất mạnh với lần lượt 25,7% và 19,9%. Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Thông tin trên ngay lập tức khiến toàn bộ các cổ phiếu cùng “hệ sinh thái” FLC giảm sàn nhiều phiên với dư bán giá sàn hàng triệu đến chục triệu đơn vị.
Ngay sau đó, ông Đặng Tất Thắng chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và CTCP Hàng không Tre Việt từ ngày 31/3 cho đến khi có quyết định mới của ĐHĐCĐ và HĐQT.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ đã xảy ra ở phiên thứ sáu, sau 4 phiên giảm sàn liên tiếp, FLC bất ngờ được gom mạnh với lượng cổ phiếu trao tay lên đến hơn 100 triệu đơn vị. Ngay sau phiên này, FLC đã có công văn gửi Bộ tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đề nghị kiểm tra giao dịch đột biến trong ngày đối với cổ phiếu FLC và có các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư.
Ngoài ra, vào tối ngày 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC. Tuy nhiên, Tập đoàn FLC khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung.
Tập đoàn FLC đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp: Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Cổ phiếu PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt cũng giảm đến hơn 17% chỉ sau một tuần giao dịch. Việc PVL lao dốc trong tuần qua đến từ thông tin cổ phiếu này có khả năng bị hủy niêm yết. Cụ thể, Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo về việc cổ phiếu PVL của Đầu tư nhà Đất Việt có khả năng bị hủy niêm yết do báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Sở GDCK Hà Nội sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PVL theo quy định.
Tiếp sau đó, cổ phiếu DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt cũng giảm 14,8%. Cổ phiếu này hiện vẫn nằm trong diện hạn chế giao dịch ở sàn UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu như HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (-13%), BII của Louis Land (-12,4%), HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (-10,8%), LDG của CTCP Đầu tư LDG (-10%)…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu tăng giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản với 65%. Hiện giá cổ phiếu PLA đã leo lên mức cao nhất lịch sử 13.164 đồng/cp. Thanh khoản của cổ phiếu này tăng mạnh so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ ở mức 54.600 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản với gần 39%. Cổ phiếu này chỉ có duy nhất một phiên giao dịch khớp lệnh trong tuần (28/3) với 100 đơn vị. Trước đó, XDH đã không có giao dịch khớp lệnh kể từ 24/11/2021.
Ở top 10 cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, diễn biến không mấy tích cực khi các mã như NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) giảm 1,2%, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp giảm 1,9%, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng giảm 4,5%...
Mới đây, DIG đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. DIG lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác 5.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt là 43% và 48% so với thực hiện trong năm 2021.
HĐQT cũng trình các cổ đông kế hoạch phát hành thêm hơn hơn 209 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, công ty sẽ phát hành thêm 85 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 17%. Cùng với đó, đươn vị này sẽ phát hành 24,9 triệu cổ phiếu ( tỷ lệ 5% so với số đang lưu hành) với mục đích bổ sung nguồn vốn đầu tư từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ngoài ra, công ty cũng chào bán cho các cổ đông hiện hữu thêm 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 66,4% giá cổ phiếu DIG trong 30 phiên từ 10/2 đến 23/3 với tỷ lệ 1:0,164 dưới dạng quyền mua và chỉ được chuyển nhượng 1 lần. Tổng số tiền thu được về dự kiến là 3.000 tỷ đồng để DIC Corp sử dụng đầu tư dự án khu đô thị du lịch Long Tân tại Đồng Nai.
Trong khi đó, bộ ba cổ phiếu họ “Vingroup” là VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincon Retail đều tăng giá. Trong đó, VRE tăng đến hơn 4%. VIC và VHM tăng lần lượt 1,4% và 0,4%.