Cổ phiếu bất động sản vẫn tăng trần hàng loạt dù thị trường chung rung lắc

Chỉ số chính VN-Index có sự rung lắc trước diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, các cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch theo chiều hướng tích cực.

Sau phiên giao dịch hưng phấn hôm 21/12, thị trường chứng khoán bước vào phiên 22/12 với sự giằng co rung lắc của các chỉ số, trong đó, VN-Index liên tục trải qua các đợt tăng giảm điểm đan xen. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa khá mạnh, trong đó, với sự trợ giúp của các cổ phiếu như GVR, HPG, MWG, SHB, THD, VGI... nên cả 3 chỉ số đều duy trì được sắc xanh.

GVR tiếp tục được kéo lên mức giá trần và dư mua giá trần hơn 800.000 đơn vị. HPG tăng theo nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng với 2,1% lên 39.350 đồng/cp, MWG tăng 3,2% lên 119.900 đồng/cp, SHB tăng 1,7% lên 18.200 đồng/cp.

Cổ phiếu bất động sản vẫn tăng trần hàng loạt dù thị trường chung rung lắc - Ảnh 1
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tương tự như phiên trước, các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán vẫn biến động tích cực bất chấp sự rung lắc của thị trường chung. VND tăng 6,6%, VCI tăng 5,5%, SSI tăng 3,3%.

Cổ phiếu bất động sản vẫn tăng trần hàng loạt dù thị trường chung rung lắc - Ảnh 2
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tuy nhiên, áp lực trong phiên 22/12 là rất lớn do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, KDC giảm 2,1%, VJC giảm 1,7%, PLX giảm 1,5%, HDB giảm 1,4%, BID giảm 1,3%, MSN giảm 1,2%.

Cổ phiếu bất động sản vẫn tăng trần hàng loạt dù thị trường chung rung lắc - Ảnh 3
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Bất chấp thị trường chung rung lắc, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì được sự tích cực. Trong đó, TID, HU6, PFL, BII, TIX, HQC, QCG, TIP, VPH, ITA, VRC, LHG, ASM, D2D, NTL, KBC hay PVL đồng loạt được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, CEO cũng tăng 6% lên 10.600 đồng/cp, DXG tăng 5,7% lên 15.700 đồng/cp, HAR tăng 5,3% lên 4.750 đồng/cp, FLC tăng 3,7% lên 4.430 đồng/cp, SCR tăng 3,7% lên 8.470 đồng/cp, DRH tăng 3,5% lên 9.110 đồng/cp, LDG tăng 2,8% lên 8.020 đồng/cp. Cổ phiếu THD tăng trần lên 88.000 đồng/cp và có đóng góp quan trọng trong việc giúp HNX-Index giữ được sắc xanh.

Tuy nhiên, đã có nhiều cổ phiếu bất động sản giảm giá. Cụ thể, CLG tiếp tục giảm sàn xuống 770 đồng/cp, đây cũng là phiên giảm sàn thứ 4 của cổ phiếu này kể từ khi xuất hiện thông tin bị đưa vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ 23/12/2020. Nguyên nhân do CLG đã tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Gần đây nhất, ngày 7/12/2020 Sở đã có công văn nhắc nhở Cotec Land về việc chậm nộp BCTC riêng và hợp nhất quý II/2020, BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 và BCTC riêng và hợp nhất quý III/2020 và thông báo khả năng cổ phiếu bị đưa vào diện bị tạm ngừng giao dịch. Trước đó cổ phiếu CLG đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 15/10/2020 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo sau khi chứng khoán bị cảnh báo. Cổ phiếu CLG chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 15/10/2020.

Ngoài ra, các cổ phiếu thanh khoản cao như AGG, CCL, CII... cũng chìm trong sắc đỏ ở phiên 22/12 nhưng đa phần mức giảm không quá mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,37 điểm (0,22%) lên 1.083,45 điểm. Toàn sàn có 269 mã tăng, 167 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,74 điểm (3,15%) lên 187,85 điểm. Toàn sàn có 134 mã tăng, 54 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,65%) lên 72,82 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 16.748 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 914 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.449 tỷ đồng. Có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ITA, FLC và HQC, trong đó, ITA khớp lệnh 28,5 triệu cổ phiếu, FLC và HQC lần lượt đạt 26 triệu cổ phiếu và 17,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 76 tỷ đồng trong phiên 22/12, trong đó, VRE và KBC là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, NVL và HDG là 2 mã bất động sản được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 20 tỷ đồng và 10,9 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới tỏ ra khá thận trọng trước thông tin về chủng nCoV mới tại Anh, nhưng điều này có vẻ ít gây tác động lên thị trường Việt Nam. 

Chỉ số VN-Index tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp và hiện kết phiên ở ngay dưới ngưỡng kháng cự 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) và nếu vượt qua được ngưỡng này trong các phiên tới thì ngưỡng kháng cự tiếp theo sẽ là quanh 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018). SHS cho rằng, thận trọng trước ngưỡng kháng cự quan trọng hiện tại là điều cần thiết. 

Với xu hướng thị trường hiện nay thì VN-Index có thể sẽ gặp áp lực bán mạnh và rung lắc tại ngưỡng kháng cự quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018). Nhà đầu tư đang sử dụng margin cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường đảo chiều mạnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và tiếp tục theo dõi thị trường chờ các nhịp điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia.

Theo phân tích của Chứng khoán MB (MBS) Thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm Midcap và Penny đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.080 điểm. 

Về kỹ thuật, sau khi vượt qua vùng cản mạnh 1.064 - 1.080 điểm một cách thuyết phục thị trường đang hướng tới các vùng kháng cự cao mới là 1.100 - 1.135 điểm với điểm tựa vững chắc là dòng tiền đang vào mạnh mẽ. Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, nhóm nghiên cứu này khuyến nghị ưu tiên các nhóm ngành dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và hàng tiêu dùng, dầu khí.

Tuấn Hào

Theo Reatimes