Cổ phiếu BĐS vốn hóa vừa và nhỏ đua nhau bứt phá trong phiên 8/3
Thị trường chứng khoán biến động vẫn khá khó chịu khi VN-Index tiếp tục rơi vào trạng thái nghẽn lệnh ở nửa sau của phiên chiều. Dòng tiền tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thị trường chứng khoán phiên 8/3 biến động khá tích cực với 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index. Trong khi đó, VN-Index tiếp tục kết phiên chỉ đi ngang với mức giảm điểm nhẹ trước sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/3, VN-Index tăng điểm tốt với sự hỗ trợ của nhiều cổ phiếu lớn trong đó có nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán. Nhóm cổ phiếu dầu khí có đóng góp quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường chung ở phiên này nhờ hưởng lợi từ sự đi lên của giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index không thể duy trì được khi áp lực bán vẫn quá lớn, đặc biệt là từ khối ngoại nên nhiều cổ phiếu bluechips đã chìm trong sắc đỏ, điều này cũng khiến VN-Index đảo chiều ở phiên chiều. Bên cạnh đó, tình trạng lỗi, nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra nên VN-Index gần như chỉ đi ngang ở mức tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 8/3. NVT hay BII là một trong số ít những mã bất động sản thanh khoản tốt giảm giá trên 2%. Các cổ phiếu như TDH, QCG, NBB, KDH, ASM, PDR... cũng chỉ giảm dưới 2%.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE cùng với BCM hay THD đều giảm giá, dù vậy mức giảm cũng không cao. Trong khi đó, NVL đi ngược với các cổ phiếu vốn hóa lớn nói trên khi tăng 1,9% lên 81.400 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,42 điểm (-0,04%) xuống 1.168,27 điểm. Toàn sàn có 274 mã tăng, 183 mã giảm và 56 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,62 điểm (1,39%) lên 263,42 điểm. Toàn sàn có 158 mã tăng, 53 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (1,09%) lên 79,42 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.702 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 797 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.206 tỷ đồng. HQC và DLG nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh 20,6 triệu cổ phiếu còn DLG là 20,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh đến gần 1.300 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 8/3 và vẫn tập trung vào các cổ phiếu bluechip. Trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất có 2 cổ phiếu bất động sản là VIC và VHM. Chiều ngược lại, VRE và KBC là 2 cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 26,5 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường mở cửa phiên 8/3 trong sắc xanh khá tốt do hưởng lợi từ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên, bên bán đã chiếm ưu thế ngay sau đó và khiến chỉ số dần lùi xuống dưới ngưỡng tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực khi thị trường vẫn di chuyển trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - là đáy của sóng 4). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ có một nhịp nhúng nhẹ trong phiên tới về vùng hỗ trợ gần nhất để tìm kiếm lực cầu thực sự tốt giúp chỉ số lấy đà cho xu hướng tăng trung hạn.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.140 - 1.160 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh./.