Cổ phiếu HAG nổi sóng: Niềm tin trở lại hay nhờ con gái bầu Đức 'mát tay'?
Diễn biến tích cực của cổ phiếu HAG đến sau một loạt động thái tạo “câu chuyện kỳ vọng” của Hoàng Anh Gia Lai.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/11, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi sắc xanh mặc dù đã có nỗ lực “rút chân” trong phiên trước đó. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.244,82 điểm, giảm 5,5 điểm so với tham chiếu. Nhóm VN30 thậm chí còn biến động mạnh hơn khi mất 8 điểm, xuống còn 1.301,95 điểm.
Ngược lại với xu hướng của thị trường chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ tăng kịch trần trong tình trạng trắng bên bán, đạt 11.200 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá của “đại gia phố núi” theo đó vượt ngưỡng 11.800 tỷ đồng.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu HAG đến sau một loạt động thái tạo “câu chuyện kỳ vọng” từ phía doanh nghiệp. “Cú bắt tay” với Kingfoodmart để mở rộng thị trường nội địa, chiến lược quy mô Tập đoàn giai đoạn 2024 – 2023, kế hoạch số hoá nông nghiệp, lộ trình xoá lỗ luỹ kế và khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo cùng kết quả kinh doanh khả quan trong quý III, tất cả góp phần vực dậy niềm tin nơi nhà đầu tư.
Trước đó nữa, động thái mua vào cổ phiếu HAG của bà Đoàn Hoàng Anh cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Con gái Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức vốn được ví như “nữ thần may mắn” của HAG bởi cứ mỗi lần bà ra tay “gom hàng”, mã này lại lên giá.
Cổ phiếu HAG: Dồn dập thông tin, kỳ vọng thoát lỗ
Gần đây nhất, ngày 2/11, Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP King Food Market – đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Kingfoodmart, nhằm phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước. Đây được xem là bước tiến quan trọng của Hoàng Anh Gia Lai trong việc mở rộng thị trường nội địa, thay vì chỉ đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng ngày, “đại gia phố núi” cũng công bố chiến lược giai đoạn 2024 – 2030 với hai nội dung chính. Thứ nhất, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tập trung các khách hàng là doanh nghiệp lớn, các thương nhân quốc tế; bắt kịp xu hướng bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa. Thứ hai là kiểm soát hiệu quả hoạt động và chi phí, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, chương trình số hóa nông nghiệp cho toàn Tập đoàn đã chính thức được triển khai.
Đáng chú ý, Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng với doanh thu thuần đạt 4.193 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho hay đã hoàn thành hơn 54,1% chỉ tiêu doanh thu và 64,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trước đó, kết quả này đã được Hoàng Anh Gia Lai trình bày tại văn bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng bị cảnh báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) như một chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng trong văn bản này, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo. Tính tới ngày 30/9/2024, diện tích sầu riêng là 1.947 ha, diện tích chuối là 7.000 ha.
Về tình hình tài chính, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang trong quá trình thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Về mô hình kinh doanh, năm 2024 nói riêng và giai đoạn 2024-2030 nói chung, Hoàng Anh Gia Lai vận hành theo mô hình “Nông nghiệp tuần hoàn”, coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và các giải pháp công nghệ nhằm tái chế phụ phẩm, chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trở lại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên đầu tư cải thiện hạ tầng, nhà máy đóng gói, bao bì theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Với những nội dung trên, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai tin tưởng hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xoá lỗ luỹ kế - nguyên nhân khiến cổ phiếu HAG bị đưa vào diện cảnh báo.
Tại thời điểm 30/9/2024, doanh nghiệp của bầu Đức vẫn còn lỗ luỹ kế 626 tỷ đồng, bằng 5,9% vốn điều lệ. Trong bối cảnh đó, việc Hoàng Anh Gia Lai liên tục gửi đi thông điệp về một giai đoạn phục hồi sắp tới ít nhiều cũng sẽ tạo ra sự kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, bà Đoàn Hoàng Anh đang cho thấy sự “mát tay” của mình đối với HAG. Từ đầu năm đến nay, con gái bầu Đức liên tục thực hiện các giao dịch mua, bán cổ phiếu.
Ngày 19/1, bà Hoàng Anh mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 11 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,19%. Giai đoạn này, cổ phiếu HAG đang trong nhịp điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2022. Ngày 15/2, vị này bán ra 2 triệu cổ phiếu HAG để giảm tỷ lệ nắm giữ.
Đến ngày 9/5, bà Hoàng Anh lại mua vào 2 triệu cổ phiếu HAG, đưa tỷ lệ sở hữu trở lại ngưỡng 1,04%.
Giữa tháng 8, vị này tiếp tục đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HAG để tăng tỷ lệ sở hữu lên 13 triệu cổ phiếu, tương đương 1,23% vốn. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 20/8 đến ngày 18/9.
Đáng nói, giai đoạn này, cổ phiếu HAG cũng đang ở nhịp điều chỉnh và đã mất 34% thị giá so với đầu tháng 5. Hiện tại, cổ phiếu HAG đã phát tín hiệu dấu hiệu chấm dứt xu hướng đi ngang, chuyển sang xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là sau phiên tím trần cùng thanh khoản vượt trội vừa qua.
Còn nhớ, trong lần đầu tiên hiện diện tại doanh nghiệp của gia đình vào tháng 8/2021, bà Hoàng Anh đã chi gần 21 tỷ đồng để mua khớp lệnh 4 triệu cổ phiếu HAG. Đến cuối tháng 9 cùng năm, bà tiếp tục nâng gấp đôi sở hữu lên 8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,86%. Khi đó, giá cổ phiếu HAG biến động quanh mức 5.000 đồng/cp. Chỉ sau vài tháng, khoản đầu tư này đã tăng gấp ba lần khi cổ phiếu HAG chạm ngưỡng 16.000 đồng/cp vào tháng 1/2022.
Trong gia đình của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, cô con gái rượu - người mà ông đã lấy tên để đặt cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - hiện đang là người nắm giữ nhiều cổ phiếu HAG nhất.