Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/7): LCG, VHC và QTP
Tuy bức tranh kinh doanh của LCG kém khả quan trong quý I, song Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) tin rằng kết quả sẽ có diễn biến tích cực hơn ở nửa cuối năm, khi triển vọng của đầu tư công là tương đối rõ nét. LCG cũng là doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, nội lực mạnh mẽ với nhiều dự án đã và đang triển khai.
MASVN: Khuyến nghị mua LCG, giá mục tiêu 14.600 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 151.047 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch Chính phủ giao. Với tốc độ giải ngân chậm như vậy sẽ là tiền đề để Chính phủ có những động thái thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm 2022, cũng như 2023.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Lizen (HoSE: LCG) - tiền thân là Licogi 16 - đang triển khai một số dự án quan trọng từ năm 2022 trở đi, điển hình là dự án nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc có công suất 40 MW với giai đoạn 1 công suất 15 MW đã vào hoạt động từ 6/2019. Riêng giai đoạn 2 công suất 25 MW dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Ngoài ra, dự án cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên với thầu đầu tư 603 tỷ đồng đã thông tuyến kỹ thuật vào 1/1/2022. Liên doanh LCG, Công ty TNHH Định An và C71 cũng trúng thầu dự án cao tốc dự án QL45 – Nghi Sơn với tổng quy mô dự thầu 1.189 tỷ đồng (phần công việc của LCG chiếm 45%).
Tiếp nối, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với quy mô 1.186 tỷ đồng, trong đó phần công việc của LCG chiếm 85%; nhà máy Điện gió Chơ Long, Hòa Đông 2, Lạc Hòa 2 (tổng thầu đạt 574 tỷ đồng); khu biệt thự cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng đồi Hòn Rơm (giá thầu đạt 112 tỷ đồng) và dự án Cầm Đình - Hiệp Thuận giá thầu đạt 267 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của LCG kém khả quan trong quý I/2022 khi doanh thu chỉ đạt 181 tỷ đồng, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế ở mức 52 tỷ đồng, giảm 8,8%, một phần nhờ bù đắp từ lợi nhuận chuyển nhượng đầu tư hơn 64 tỷ đồng trong kỳ.
Tuy nhiên, MASVN tiếp tục kỳ vọng kết quả sẽ dần tốt hơn trong 6 tháng cuối năm khi đầu tư công nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ.
MASVN ước tính doanh thu của LCG năm 2022 đạt 2.163 tỷ đồng (tăng 20% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 289 tỷ đồng (tăng 60%). Công ty chứng khoán này giả định biên lợi nhuận gộp có phần giảm khi giá vốn nguyên liệu tăng so với cùng kỳ, ước đạt mức 21% trong khi quý I/2021 là 23,8%.
Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng hơn 6 lần nhờ ghi nhận lợi nhuận chuyển nhượng đầu tư trong quý I đạt hơn 97 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 20% cùng kỳ lên mức 127 tỷ đồng. Tương ứng EPS dự phóng 2022 đạt 1.655 đồng, tăng 58,5% cùng kỳ; P/E dự phóng 2022 ở mức 6,8 lần, thấp hơn trung bình 5 năm của doanh nghiệp.
Với bức tranh triển vọng của đầu tư công trong nửa cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, MASVN khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu LCG với giá mục tiêu 14.600 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với thị giá hiện nay.
SSI: Khuyến nghị trung lập với cổ phiếu VHC
Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh thu đạt 7.400 tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ), nhờ doanh thu cá tra tăng 82% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 132% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, mặc dù nhu cầu vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm, nhưng doanh thu cá tra trong tháng 6 vừa qua đã giảm 41% so với tháng trước.
Điều này là do nhu cầu giảm do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát, đồng thời một số nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối năm tài chính của họ (làm doanh thu sang thị trường Mỹ giảm 59% so với tháng trước).
Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng kể từ đầu quý II, khi quốc gia này mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ một số hạn chế tại các cảng biển.
Theo đó, doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước. Điều này phù hợp với chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng của VHC tại Trung Quốc trong thời gian tới. VHC đang cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, nơi giá cả ít biến động
VHC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý II đạt ít nhất 600 tỷ đồng (tăng 130% so với cùng kỳ, tăng 8% so với quý trước). VHC có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý III và các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý II.
SSI cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý II do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi; chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất. SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Năm 2022, SSI kỳ vọng VHC sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 13.500 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và 2.000 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm, ở mức 30% so với cùng kỳ. Năm 2023, công ty chứng khoán này ước tính VHC sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 12.900 tỷ đồng (giảm 4,1% cùng kỳ) và 1.740 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ).
Với mức giá hiện nay, cổ phiếu VHC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 7,2 lần và 8,5 lần, mức P/E trung bình lịch sử là 8 lần.
Giá mục tiêu 1 năm SSI đưa ra cho VHC là 90.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 7,3%), tương ứng với khuyến nghị trung lập. SSI cũng đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9 lần xuống 8 lần (và mảng collagen và gelatin của VHC từ 13 lần xuống 12 lần) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022.
Yuanta: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu QTP
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) cho biết đã sản xuất được 3,697 triệu kWh, đạt 48,7% kế hoạch năm và bằng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì vậy, kết quả kinh doanh bán niên của QTP tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó doanh thu đạt 5.014 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,5% và 93,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu lợi nhuận tăng là nhờ chi phí giá vốn giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,27% lên 15,21% trong quý này. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và vượt 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, thời gian qua nhu cầu điện tăng cao, giá khí tăng mạnh giúp các doanh nghiệp điện than tăng sức cạnh tranh so với điện khí. Trong đó, QTP là một trong số ít những doanh nghiệp điện than có tiềm năng tăng trưởng công suất trong dài hạn.
Ngoài ra, việc tích cực giảm mạnh nợ vay của QTP cũng hỗ trợ tăng trưởng kết quả kinh doanh trong tương lai, với nợ vay cuối quý I đã giảm 32% so với cùng kỳ. Một yếu tố khác hỗ trợ giá cổ phiếu QTP là việc SCIC công bố QTP nằm trong danh sách thoái vốn năm 2022.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, QTP đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 10,2 lần (tương ứng EPS 12 tháng là 1.567 đồng). Mức Stock Rating của QTP ở mức 84 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của QTP đóng cửa tăng 1,2% với khối lượng giao dịch dưới mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của QTP bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và đồ thị giá vượt đường trung bình 20 và 50 phiên. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của QTP cũng được nâng lên mức tăng.
Vì thế, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.