Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/4): HAH, MSN và MBB
Về lâu dài, MBB sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng từ thu nhập lãi, nhờ vào lợi thế chi phí huy động vốn thấp cùng với lợi suất tài sản gia tăng. Ngoài ra, với tiềm năng từ các nguồn thu phí từ phân khúc bancassurance và tài chính tiêu dùng, VDSC kỳ vọng MBB sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của mình khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn vào năm 2024.
HAH: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 40.500 đồng/cổ phiếu
Doanh thu trong quý IV của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) cao hơn 9% so với quý III/2022, mặc dù lợi nhuận ròng giảm 21% so với quý trước và giảm 16% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận giảm đáng kể, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 32% trong quý IV/2022 so với mức 50% trong quý IV/2021 và 48% trong quý III/2022. Lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 822 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ), vượt 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
HAH công bố kế hoạch lợi nhuận thận trọng cho năm 2023, theo đó sản lượng sẽ không đổi và lợi nhuận ròng sẽ giảm 40% so với cùng kỳ.
HAH sẽ xin ý kiến cổ đông tại ĐHĐCĐ về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 500 tỷ đồng với thời hạn 4-5 năm và lãi suất 6%/năm. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để đầu tư đội tàu.
Về thị trường vận tải container, Công ty Chứng khoán SSI cho biết giá cước giao ngay tiếp tục giảm trong năm 2023, giảm 17% so với đầu năm và ở mức trước Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm gần đây đã chững lại. SSI cũng lưu ý rằng giá cho thuê tàu đã ổn định trong những tháng gần đây và thậm chí bắt đầu tăng ở các tàu kích cỡ khác nhau – điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trên thị trường vận tải biển.
Theo SSI, những thách thức của nền kinh tế vĩ mô có thể tiếp tục kéo dài. Bước sang năm 2023, giai đoạn mà dịch Covid-19 dần được đẩy lùi, các quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc) đang tiến hành mở cửa lại biên giới và tình trạng tắc nghẽn cảng không còn là vấn đề nhức nhối đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát cao kéo dài đang làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và hàng tồn kho cao là những thách thức cho hoạt động vận tải. Vấn đề này khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Sản lượng vận chuyển dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên sẽ khó lặp lại sự bùng nổ như năm 2021. Mặt khác, áp lực gia tăng từ nguồn cung tàu mới sẽ khiến thị trường dư cung và khiến giá cước giảm
SSI cho rằng HAH sẽ ưu tiên cho thuê tàu thay vì trực tiếp vận hành trong giai đoạn thị trường nội địa dư cung. Vì giá thuê tàu đã chạm đáy ở mức 14.000 USD/ngày đối với tàu cỡ 1.700 TEU, nên mức giá thuê này giúp các tàu của HAH duy trì lợi nhuận - ngay cả với những tàu cho chi phí đắt hơn nhiều.
Hơn nữa, việc mở rộng thị trường quốc tế với Liên doanh ZIM – Hải An sẽ mang lại cho HAH sự đa dạng hóa để thoát khỏi tình trạng dư cung trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, các dịch vụ mới có thể hoạt động dưới mức hòa vốn trong khoảng từ 3 đến 6 tháng trước khi có lãi.
SSI dự báo sản lượng của HAH sẽ không có tăng trưởng trong năm 2023. Giá cước vận tải nội địa trở lại mức trước Covid-19, hay giảm 50% từ mức bình quân năm 2022. Giá dầu nhiên liệu có thể giảm 25% so với cùng kỳ.
Theo SSI, trong số 11 tàu, bốn tàu có khả năng sẽ hoạt động trên các tuyến nội địa và Trung Quốc và bảy tàu có khả năng sẽ được cho thuê. Trong đó, sẽ có 1 tàu có giá cho thuê là 40.000 USD/ngày đến hết năm 2024, 2 tàu có giá cho thuê là 32.000 đồng/ngày đến hết năm 2023, còn lại ở mức 14.000-15.000 USD/ngày. Liên doanh Zim – Hải An có thể lỗ nhẹ trong năm 2023 (năm đầu tiên đi vào hoạt động).
Với những giả định trên, SSI điều chỉnh giảm 24% ước tính lợi nhuận ròng, đạt mức 550 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) trong năm 2023, tương đương EPS 2023 là 7.511. HAH hiện đang giao dịch với P/E 2023 là 4,5 lần và P/B là 0,86 lần.
SSI hạ khuyến nghị xuống khả quan từ mua đối với cổ phiếu HAH với P/E mục tiêu điều chỉnh xuống 6 lần và giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 40.500 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoảng 9,3%). SSI cho rằng mặc dù triển vọng lợi nhuận có thể kém khả quan trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung toàn ngành đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, với giá cho thuê phục hồi gần đây.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng động lực của ngành trong nửa cuối năm 2023 sẽ được cải thiện, điều này có thể tạo cơ sở tốt cho thị trường định giá lại đối với ngành.
MSN: BSC khuyến nghị theo dõi với giá mục tiêu 87.000 đồng/cổ phiếu
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) lần lượt đạt 76.189 tỷ đồng (giảm 14%) và 4.754 tỷ đồng (giảm 53%) chủ yếu do sức mua suy giảm mạnh.
Giá nguyên vật liệu tăng cao từ 15-30% và thu nhập tài chính giảm từ 1.093 tỷ đồng (năm 2021) xuống còn 3.786 tỷ đồng (năm 2022) do không còn ghi nhận thu nhập bất thường từ thoái vốn mảng Feed trong khi. Hoạt động kinh doanh đối mặt với lỗ tỷ giá (tăng 2,95 lần so với cùng kì) và tăng lãi vay (tăng 11%).
Năm 2023, MSN đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 90.000 – 100,000 tỷ (tăng 16% đến tăng 29%) và lợi nhuận ròng là 4.000 – 4.500 tỷ (tăng 4% đến tăng 30%). Trong đó, động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ việc tiếp tục khai thác chuỗi tiêu dùng bán lẻ, tiết giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động của các mảng kinh doanh khác. Tuy nhiên, MSN cũng lưu ý rằng nếu các điều kiện vĩ mô trở nên khó khăn hơn dự kiến, thì tăng trưởng doanh thu sẽ chỉ đạt từ tăng 10% đến tăng 15%.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá kế hoạch kinh doanh của MSN đặt ra trong năm 2023 là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, do bối cảnh sức mua vẫn chịu áp lực của thu nhập suy giảm trong nửa đầu năm 2023 và áp lực thanh toán nợ đến hạn và lãi vay tăng cao trong năm 2023.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 của MSN đạt lần lượt là 83.120 tỷ đồng (tăng 9%), và 3.395 tỷ đồng (giảm 5%), EPS dự phóng năm 2023 đạt 2.384 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng đạt 33 lần, tương đương 92% kế hoạch doanh thu chặn dưới và 85% kế hoạch lợi nhuận ròng chặn dưới.
BSC dự báo sức mua suy yếu do chịu tác động của hiệu ứng thu nhập suy giảm, làm giảm doanh thu và số lượng cửa hàng dự kiến thấp hơn kế hoạch. Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng chi phí lãi vay của MSN trong năm 2023 đạt 5.788 tỷ đồng (tăng 19,5%), mặc dù MSN đã các khoản vay dài hạn trong 2022-2023 bằng USD có giá trị tương đương 29.256 tỷ đồng và trái phiếu có lãi suất cạnh tranh so với thị trường quanh mức 7-11,3% nhưng mức lãi suất này cao hơn cùng kì 2022, làm tăng chi phí lãi vay của MSN.
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu MSN với giá trị hợp lý năm 2023 là 87.000 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp SOTP, với những điều chỉnh thận trọng về áp lực sức mua suy giảm và chi phí sử dụng vốn tăng lên trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong dài hạn MSN vẫn sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ vị thế doanh nghiệp đầu ngành tiêu dùng bán lẻ hiện đại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường còn phân mảnh và dư địa tăng trưởng đến từ cơ cấu dân số trẻ và tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Nền tảng kinh doanh vững chắc và lịch sử tín dụng lành mạnh giúp MSN có lợi thế trong việc huy động vốn và đàm phát lãi suất với các ngân hàng và tổ chức lớn trong và ngoài nước.
MBB: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 22.000 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu 16% so với cùng kỳ khi nguồn thu nhập cốt lõi duy trì đà tăng trưởng đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và chiếm 79% tổng thu nhập hoạt động. Thu nhập phí thuần (NFI) giảm 9% xuống 1,2 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù tăng trưởng thu nhập ngoài lãi giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, MBB vẫn ghi nhận tổng thu nhập hoạt động là 11,8 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) trong quý IV/2022, góp phần tích cực vào tăng trưởng lợi nhuận.
Ngoài ra, chi phí tín dụng là yếu tố đáng chú ý nhất kéo giảm lợi nhuận trước thuế khi chi phí dự phòng tăng 78%. Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế giảm 2% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, đạt 4,5 nghìn tỷ đồng.
Vào năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo NIM của MBB sẽ giảm 12 điểm cơ bản do lợi suất tài sản có thể không theo kịp với chi phí huy động ngày càng tăng. Bên cạnh mức tăng trưởng tín dụng 15%, thu nhập lãi thuần dự báo sẽ tăng 14%.
Thu nhập ngoài lãi được dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức một con số do các điều kiện không thuận lợi để các công ty con của MBB có lãi trong năm 2023. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng vừa phải 12%. OPEX và chi phí dự phòng được dự báo sẽ tăng lần lượt 7% và 17%.
Dự phóng lợi nhuận sau thuế 2023-2024 lần lượt là 19.904 tỷ đồng, tăng 14% và 24.967 tỷ đồng, tăng 25%. Giá trị sổ sách tương ứng lần lượt là 20.600 đồng/cổ phiếu và 25.000 đồng/cổ phiếu. VDSC nhận thấy giá cổ phiếu trong ngắn hạn có thể điều chỉnh do những rủi ro từ vĩ mô cùng với biến động thị trường, tuy nhiên định giá hiện tại tương đối hấp dẫn trong trung hạn.
Về lâu dài, MBB sẽ tiếp tục đặt được tăng trưởng từ thu nhập lãi, nhờ vào lợi thế chi phí huy động vốn thấp cùng với lợi suất tài sản gia tăng. Ngoài ra, với tiềm năng từ các nguồn thu phí từ phân khúc bancassurance và tài chính tiêu dùng, VDSC kỳ vọng MBB sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của mình khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn vào năm 2024.
Giá mục tiêu hiện tại của VDSC cho cổ phiếu MBB là 22.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua cổ phiếu này và nắm giữ trung hạn.