Cổ phiếu SJF rơi vào diện kiểm soát, Đầu tư Sao Thái Dương khắc phục bằng cách nào?
Ngày 9/10, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (mã chứng khoán: SJF) thông báo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Cổ phiếu SJF bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát từ ngày 11/10/2024 theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh ban hành ngày 4/10.
Lý do là Đầu tư Sao Thái Dương chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trong công văn giải trình gửi HoSE ngày 9/10, SJF cho biết, nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét là do công ty con BWG Mai Châu tái cơ cấu từ tháng 4/2024, dẫn đến có sự thay đổi toàn diện về quản lý và nhân sự. Có một số khoản chưa thu thập đủ chứng từ theo yêu cầu của kiểm toán từ nhân sự quản lý cũ đã nghỉ việc.
Do vậy, đơn vị kiểm toán chưa đủ thông tin để phát hành báo cáo kiểm toán bán niên được soát xét, vì cần xem xét đánh giá số liệu trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào công ty con cho khoản đầu tư của công ty mẹ SJF. Theo đó, SJF chưa thể nộp báo cáo tài chính bán niên được soát xét.
Nêu phương án khắc phục, SJF cho biết, ban lãnh đạo chỉ đạo các phòng ban liên quan tích cực thu thập hồ sơ chứng từ để cung cấp cho đơn vị kiểm toán một cách nhanh nhất có thể. Mặt khác, công ty đang rà soát và đánh giá lại hiệu quả của các khoản đầu tư, tập trung vào các khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao và thoái vốn những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Trước đó, ngày 30/7, SJF gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE báo cáo giải trình liên quan đến lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II năm nay, doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán đều giảm xấp xỉ 14% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, doanh thu quý II/2024 đạt 18,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 21,1 tỷ đồng. Giá vốn quý II/2024 ở mức 21,1 tỷ đồng, giảm so với mức 24,8 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp phát sinh trong kỳ không có lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp tương đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý II/2024, công ty cũng đã thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư.
Theo SJF, những nguyên nhân này khiến lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính quý II/2024 bị lỗ hơn 4,5 tỷ đồng.
Về kế hoạch thoái vốn, vào ngày 28/9, SJF đã phê duyệt việc rút toàn bộ vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TONA. Theo đó, Ban Tổng giám đốc được giao nhiệm vụ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng số cổ phần tại Xây dựng TONA trong năm 2024, với mức giá dự kiến từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/6/2024, SJF sở hữu 96,54% cổ phần tại Công ty Cổ phần BWG Mai Châu, 93% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sunstar Ecotech Việt Nam, và 49% cổ phần tại công ty liên kết Xây dựng TONA.
Việc SJF quyết định thoái vốn khỏi Xây dựng TONA diễn ra trong bối cảnh Công ty Đầu tư Sao Thái Dương vừa thông qua kế hoạch góp vốn vào Công ty Cổ phần Hạ tầng staBOO Việt Nam vào giữa tháng 8/2024. Theo kế hoạch, SJF sẽ đầu tư 200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Hạ tầng staBOO từ 36 tỷ đồng lên 236 tỷ đồng, và SJF sẽ nắm giữ 84,75% vốn điều lệ của công ty này.
Thành lập vào năm 2012, SJF hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ vi sinh, đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cung cấp thực phẩm sạch chất lượng cao và sản xuất tre ép công nghiệp.
Hiện Chủ tịch HĐQT do ông Nguyễn Trí Thiện nắm giữ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT.