Cổ phiếu Vingroup tăng trần khi giá USD giảm sâu, giữ sắc xanh cho VN-Index

Một trong những lý giải về việc cổ phiếu Vingroup đột ngột tăng kịch trần là kỳ vọng về việc Vingroup hưởng lợi từ diễn biến lao dốc của giá USD.

Sau giai đoạn tăng “nóng”, chỉ số VN-Index đã chững lại trong các phiên gần đây. Dẫu vậy, không hẳn là diễn biến trên thị trường rơi vào cảnh ảm đạm. Như trong phiên 27/8, cổ phiếu Vingroup (HoSE: VIC) tăng kịch trần, là “công thần” giúp VN-Index giữ sắc xanh dù số mã giảm trên sàn HoSE (235 mã) lấn át số mã tăng (169 mã).

Diễn biến giá cổ phiếu Vingroup từ đầu năm đến nay. Nguồn đồ thị: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu Vingroup từ đầu năm đến nay. Nguồn đồ thị: TradingView

Nhiều nguyên nhân được giới đầu tư đưa ra nhằm lý giải về việc cổ phiếu Vingroup đột ngột tăng kịch trần, trong đó, nổi lên 2 giả thiết. Một là kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của VinFast. Hai là kỳ vọng về việc Vingroup hưởng lợi từ diễn biến lao dốc của tỷ giá USD/VND.

Được biết, Vingroup là một trong những doanh nghiệp niêm yết vay USD nhiều nhất. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Vingroup đang vay nợ ngắn hạn trên 110.000 tỷ đồng và vay nợ dài hạn trên 112.000 tỷ đồng. Trong đó, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy ít nhất có khoảng 60.000 tỷ đồng vay dài hạn bằng USD. Bên cạnh đó còn có khoản vay 425 triệu USD thông qua trái phiếu được phát hành vào tháng 9/2021 với thời hạn 5 năm, có quyền hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu Vingroup.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 7 đã có dấu hiệu hạ nhiệt và càng ngày càng giảm mạnh trong những ngày gần đây trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra thông điệp rõ ràng về việc hạ lãi suất điều hành. Tỷ giá USD/VND tự do có lúc vượt 26.000 vào cuối tháng 6 thì đến nay chỉ còn khoảng 25.200. Còn tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã xuống dưới mốc 25.000, thậm chí giá mua vào chỉ còn 24.630 tại Vietcombank.

Cổ phiếu Vingroup tăng trần khi giá USD giảm sâu, giữ sắc xanh cho VN-Index - Ảnh 1

Trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán, song hành với cổ phiếu Vingroup, cổ phiếu Vinhomes (HoSE: VHM) và cổ phiếu Vincom Retail (HoSE: VRE) cũng tăng tương đối tốt, lần lượt có thêm 2,22% và 1,01% giá trị.

Cổ phiếu các nhóm ngành khác nghiêng nhiều về sắc đỏ, tuy nhiên mức độ biến động nhìn chung không lớn. Điều chỉnh rõ rệt nhất là nhóm ngành chứng khoán sau thời gian ngắn tăng khá mạnh, theo đó, SSI giảm 1,62%, VND giảm 1,59%, VCI giảm 0,93%, HCM giảm 1,68%, VIX giảm 2,06%, ORS giảm 2,26%, AGR giảm 1,6%...

Riêng cổ phiếu VCF gây ấn tượng khi tăng kịch trần phiên thứ hai liên tiếp sau thông tin chia cổ tức “khủng”, lọt vào top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index. Với mức cổ tức 25.000 đồng/cổ phiếu kèm thị giá 249.500 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức đạt trên 10% chưa tính thuế.

Khối ngoại ghi nhận phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp nhưng mức độ bán ròng không còn mãnh liệt. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 14.426 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 13% so với phiên liền trước.

Thanh Long

Theo VietnamFinance