Còn nhiều thông tin chưa được công bố khi ABBank đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM?
Kết quả kinh doanh của ABBank khá khả quan trước thời điểm lên sàn. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn lớn lại chính là nợ xấu và dòng tiền.
Ngày 18/12/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho cổ phiếu ABB giao dịch trên sàn UPCoM.
Cụ thể, hơn 571 triệu cp ABB với tổng mệnh giá chứng khoán hơn 5.713 tỷ đồng sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 28/12/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp.
Theo mức giá này, ABBank được định giá hơn 8.565 tỷ đồng khi giao dịch trên thị trường UPCoM.
ABBank đang có gì?
So với các ngân hàng khác tại Việt Nam, ABBank được xem là “bé hạt tiêu” khi tổng tài sản tính đến 30/9/2020 ở mức 93.176 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.713 tỷ đồng.
Theo BCTC kiểm toán năm 2019, ABBank có tổng tài sản của ABBank đạt 102.550 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2018.
Hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBank trong năm 2019 được ghi nhận như ROA đạt 1.4%; ROE đạt 17%; CAR đạt 10.5%.
Bước sang năm 2020, tính đến 30/9 tổng tài sản tại ngân hàng chỉ còn hơn 93.176 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 82%, ghi nhận 1.207 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay TCTD khác giảm 20%, ghi nhận 14.267 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 53%, ghi nhận 7.836 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 4%, ghi nhận 72.280 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng nhẹ 4% so với đầu năm, ghi nhận 58.986 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 27.326 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và dư nợ nhóm khách hàng SMEs đạt 14.322 tỷ đồng, tăng 15%.
Kết quả kinh doanh cũng tương đối sáng sủa. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, dù thu nhập lãi thuần giảm 8% so cùng kỳ nhưng Ngân hàng đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi như thu nhập từ dịch vụ tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 139 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp 2,5 lần ghi nhận 342 tỷ đồng;...
Kết quả, ABBank ghi nhận gần 946 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 753 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6% và giảm 3% so cùng kỳ.
Sau 9 tháng, ABBank đã thực hiện được 70% kế hoạch 1.358 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020.
Mới đây, ABBank công bố số liệu kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm. Thu từ phí dịch vụ đạt 185 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/11, tổng tài sản của ngân hàng chỉ đạt 92.337 tỷ đồng, giảm so với đầu năm.
Về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 18,28%; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%.
Nợ xấu và dòng tiền biến động
Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ABBank tại thời điểm 31/12/2019 ở mức 1.312 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cuối năm 2018. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,89% lên 2,31%.
Tính đến 30/9/2020, nợ xấu nội bảng lại tăng 24% so với cuối năm 2019, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 93%, ghi nhận hơn 562 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 8%, ghi nhận 645 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,31% đầu năm lên 2,77%.
Đáng chú ý, dòng tiền của ABBank trong 9 tháng đầu năm 2020 biến động khi ghi nhận con số âm so với cùng kỳ.
Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 11.357 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt gần 5.358 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm hơn 11.337 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 5.675 tỷ đồng.
Lưu ý, cam kết ngoại bảng hay gọi cách khác là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ABBank 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận con số 88.534 tỷ đồng ở cam kết dịch vụ hoán đổi, giảm 10% so với thời điểm 31/12/2019.
Ngoài ra, cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 33%, ghi nhận gần 728 tỷ đồng; bảo lãnh khác giảm nhẹ từ con số 4.342 tỷ đồng xuống còn 4.174 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí trả lãi tiền gửi tại ABBank tăng 20%, ghi nhận hơn 3.049 tỷ đồng. Một điều đáng lưu ý, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 đã công bố, ABBank không nêu số liệu cụ thể về số dư trái phiếu VAMC.