ABBank: 2 năm thay 5 đời tổng giám đốc, nợ xấu ngày càng tăng

Từ năm 2018 đến nay, ABBank đã 5 lần thay vị trí Tổng Giám đốc. Tỷ lệ nợ xấu từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,8% lên 2,7%.

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (OTC: ABBank) chính thức bổ nhiệm ông Lê Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Thời hạn bổ nhiệm lần đầu kể từ ngày 30/9/2020 đến hết ngày 30/9/2023.

ABBank: 2 năm thay 5 đời tổng giám đốc, nợ xấu ngày càng tăng - Ảnh 1Ông Lê Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc ABBank.

Ông Lê Hải sinh năm 1976, từng là Phó Tổng Giám đốc tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MB). 

Như vậy, ABBank đã thay đổi tới 5 lần vị trí CEO trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Cụ thể, ngày 12/1/2018, HĐQT ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Cù Anh Tuấn sau gần 2 năm đảm nhận vị trí này vì lý do cá nhân.

Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc đã được HĐQT ABBank giao nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc kể từ ngày 12/1/2018. Tuy nhiên, sau khi đảm nhiệm vị trí CEO chưa đầy 5 tháng thì ông Nguyễn Mạnh Quân lại “nhường” cho bà Dương Hoa Mai, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank kể từ ngày 4/5/2018.

Lại “đi theo vết xe đổ” của ông Nguyễn Mạnh Quân, hơn 5 tháng sau (đến ngày 18/10/2018) bà Dương Hoa Mai chính thức rời ghế Tổng giám đốc ABBank. Thay vị trí của bà Mai là ông Phạm Duy Hiếu.

Ông Phạm Duy Hiếu sinh năm 1978, là Phó Tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBank và đây là vị CEO trẻ nhất trong hệ thống ngân hàng Việt ở thời điểm đó.

Khoảng hơn 1 năm đảm nhận vị trí tưởng rằng ông Phạm Duy Hiếu có thể chính thức ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc ABBank. Tuy nhiên sau đó không lâu, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc theo nguyện vọng của ông Phạm Duy Hiếu kể từ ngày 01/04/2020.

Liên tục thay đổi giám đốc, từ ông Cù Anh Tuấn, đến ông Nguyễn Mạnh Quân, sau đó là bà Dương Thị Mai Hoa, rồi đến ông Phạm Duy Hiếu, đến nay là ông Lê Hải. Không rõ, trong thời gian tới, những biến động nhân sự cấp cao của ABBank sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, trong 2 năm với 5 lần thay CEO, cho thấy vị trí này của ABBank không dễ dàng để ngồi lâu.

Về tình hình kinh doanh tại ABBank trong hơn 2 năm trở lại đây cũng không có nhiều khởi sắc.

Theo BCTC hợp nhất quý 2 năm 2020 (đã soát xét), hoạt động kinh doanh cốt lõi của ABBank nửa năm kém tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 16%, chỉ đạt hơn 1.087 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, ABBank ghi nhận lãi trước và sau thuế chỉ tăng 8% so với cùng kỳ 2019, đạt lần lượt gần 595 tỷ đồng và hơn 471 tỷ đồng. Tính riêng quý 2, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 43% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 22% và chi phí dự phòng rủi phòng rủi ro tín dụng gấp 2,8 lần.

Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của ABBank giảm 7% so với đầu năm, ở mức 95.010 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chỉ tăng 1% và dự phòng cho vay giảm 11%.

ABBank: 2 năm thay 5 đời tổng giám đốc, nợ xấu ngày càng tăng - Ảnh 2
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2020 (đã soát xét).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2020 (đã soát xét).

Đáng chú ý, xét về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của ABbank tăng 19% so với hồi đầu năm, ở mức 1.565 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp 2,7 lần đầu năm, ở mức gần 774 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo đó tăng từ 2,3% lên mức 2,7%, đây là mức khá cao so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng thương mại.

Trước đó, theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2019, tính đến ngày 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu ABBank tăng lên mức 2,3% (trong khi năm 2018 là 1,8%). Trong đó nợ nhóm 3, nhóm 4 tăng mạnh lần lượt lên cao gấp 2 và 2,2 lần so với năm 2018 lên mức gần 292 tỷ đồng và 423 tỷ đồng. 

Nguồn: BCTC năm 2019 đã kiểm toán.
Nguồn: BCTC năm 2019 đã kiểm toán.

Ngoài ra, với số dư nợ trái phiếu tại VAMC còn lớn, mỗi năm ABBank phải trích ra phần lớn lợi nhuận để dự phòng rủi ro cho số trái phiếu đặc biệt này.

Cụ thể, năm 2018, ABBank còn gần 2.386 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 904 tỷ đồng. Đến năm 2019 là 1.089 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 364 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2020 nợ xấu tại VAMC lại ở mức 1.676 tỷ đồng và Ngân hàng phải trích lập dự phòng 364 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC năm 2019 đã kiểm toán.
Nguồn: BCTC năm 2019 đã kiểm toán.

Nếu cộng cả nợ xấu đang tồn đọng tại VAMC và nợ xấu hiện thời thì con số nợ xấu của ABBank năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 đều trên mức 4% (Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới 3%).

Năm 2020, ABBank vẫn đang để ngỏ về yêu cầu niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Việc nợ xấu tồn đọng quá nhiều tại VAMC khiến ngân hàng phải trích ra hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm cũng đang là vấn đề tại ABBank.

Tỷ lệ nợ xấu mới đang tăng hiện là một trở ngại rất lớn tại nhà băng này. Trong khi việc thay CEO liên tục trong thời gian ngắn phần nào khiến tình hình kinh doanh tại ABBank gặp trở ngại, chưa thể tạo ra những thay đổi lớn. 

Theo Hà Phương/Sở hữu trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/abbank-2-nam-thay-5-doi-tong-giam-doc-no-xau-ngay-cang-tang-d83209.html