Công khai tỷ phú và nhóm liên quan chi phối ngân hàng Việt
Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về; dư nợ tín dụng tăng nhanh; lộ dần bức tranh lợi nhuận ngân hàng và lộ diện những nhóm cổ đông chi phối các NH... là những điểm nhấn quan trọng trong tuần qua.
VPBank công bố tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đây là ngân hàng đầu tiên công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo đó, ông Ngô Chí Dũng cùng nhóm cổ đông có liên quan sở hữu gần 34% vốn của VPBank tính đến ngày 19/7.
>> Xem thêm: VPBank công bố tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nắm bao nhiêu vốn HDBank?
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (mã chứng khoán: HDB) - vừa công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
HDBank có hai quỹ ngoại đang nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bên cạnh cổ đông lớn là Công ty CP Sovico liên quan tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện nắm 14,27% vốn điều lệ.
>> Xem thêm: Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nắm bao nhiêu vốn tại HDBank?
Nhóm cổ đông mới tại Eximbank lộ diện
Cơ cấu cổ đông Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) đã biến động khá mạnh trong 2 năm qua khi một loạt nhóm cổ đông lâu năm đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC, VinaCapital, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Công ty Âu Lạc, Vietcombank…
Âm thầm mua vào một lượng lớn cổ phiếu EIB, nhóm cổ đông mới của Eximbank đã chính thức lộ diện. Gelex đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi sở hữu 4,9% vốn. Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương nắm 3,58% và 3,07% vốn điều lệ Eximbank.
>> Xem thêm: Nhóm cổ đông mới tại Eximbank lộ diện
Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về.
Kể từ tháng 3 trở lại đây, các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Hiện có một số ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm từ 6% trở lên.
Trong khi đó, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền về với khối lượng lớn.
Các chuyên gia đánh giá tỷ giá hiện đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. Tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm.
>> Xem thêm: Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về
Giải toả dư nợ tín dụng: Từ âm chuyển sang nhanh
Sau khi tăng trưởng âm 2 tháng đầu năm 2024, đến cuối tháng 3, tín dụng đã “ngoi” lên mặt đất với 1,34%. Dù vậy, đến 14/6, tín dụng cũng mới chỉ tăng trưởng 3,79%. Điều bất ngờ là chỉ trong 2 tuần sau đó, tín dụng đã bứt tốc, đạt đến 6%.
Kết quả cuộc “Điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD” do Vụ Dự báo thống kê, NHNN vừa công bố giữa tháng 7 cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD có xu hướng “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đúng như dự kiến tại cuộc điều tra 6 tháng cuối năm 2023.
>> Xem thêm: Giải tỏa dư nợ tín dụng: Từ âm chuyển sang nhanh.
'Mức mất giá của VNĐ hiện là 4.4%'
Công bố vào sáng 23/7, Phó Thống đốc NHHN Đào Minh Tú cho biết mức mất giá của tiền đồng hiện đang là 4,4%, tích cực hơn đáng kể so với đồng nội tệ của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, NHNN cũng đã triển khai Nghị định 2345 về xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng...
>> Xem thêm: 'Mức mất giá của VNĐ hiện là 4.4%’
Ngại vay mua nhà dù lãi suất thấp nhất 10 năm
Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian ưu đãi hiện chỉ khoảng 5-6%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tâm lý dè dặt khi quyết định vay mua nhà vào thời điểm này.
Một yếu tố khiến nhiều người chưa dám đi vay mua nhà là do lãi suất đầu vào đang tăng trở lại. Những ngân hàng nhỏ hoặc tầm trung có lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Nhiều người lo lắng về mức lãi suất thả nổi khi hết thời gian ưu đãi. Mức lãi thả nổi thường chênh so với mức ưu đãi khoảng 3-4,5%/năm. Nhiều người băn khoăn liệu sau này thả nổi, lãi suất có lên đến 12-15%/năm hay không.
>> Xem thêm: Vay tiền mua nhà: Chào mời lãi suất rẻ, 1 năm sau 'chém' khách 15%
Khó thẩm định, vốn tín dụng 'né' doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo đại diện của FiinGroup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Dù chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước.
Giám đốc Phân tích của FiinGroup cho hay, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn tín dụng đều có mức rủi ro cao. Bên cạnh đó, đặc trưng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thiếu tài sản đảm bảo, thiếu tính minh bạch trong hệ thống kế toán tài chính,... là rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
>> Xem thêm: Khó thẩm định, vốn tín dụng 'né' doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh
Bất động sản (BĐS) đang là kênh đẩy vốn quan trọng nhất của các ngân hàng, là “cứu tinh” cho tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng. Tín dụng đang tăng lên khi BĐS ấm dần.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết tín dụng bất động sản hiện chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Việc áp dụng sớm các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng… trước 5 tháng so với dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.
>> Xem thêm: Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh
Một ngân hàng thưởng hơn 11 triệu cổ phiếu cho nhân viên
Gần 2.000 nhân viên của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) sắp được thưởng hơn 11 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tính theo giá trị thị trường tương đương 230 tỷ đồng.
Trước đây, cũng có một số ngân hàng như Techcombank, NamABank, MB sử dụng chương trình ESOP để giữ chân nhân viên.
>> Xem thêm: Một ngân hàng thưởng hơn 11 triệu cổ phiếu cho nhân viên
Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin khoản vay của DN cho cơ quan thuế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 132) và lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu tác động.
Bộ Tài chính đề xuất NHNN phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và công ty liên kết của tổ chức tín dụng khi cơ quan thuế yêu cầu.
>> Xem thêm: Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin khoản vay của DN cho cơ quan thuế
Xuất hiện nhiều website ngân hàng giả mạo
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vừa phát hiện thêm 68 trang thông tin điện tử (website) giả mạo thương hiệu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo người dùng; trong đó có đến 28 website giả mạo ngân hàng.
Việc sử dụng website giả mạo để lừa đảo người dùng không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo website.
>> Xem thêm: Xuất hiện nhiều website NH giả mạo, chủ tài khoản lưu ý không mất tiền oan
Lộ dần bức tranh lợi nhuận ngân hàng qua những báo cáo đầu tiên
Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận khả quan. Trong đó, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đang dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận, khi đạt lợi nhuận trước thuế quý II lên đến 3.033 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Nhiều dự báo cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương trong quý II và cả năm nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Dù gặp không ít thách thức nhưng vẫn có những yếu tố giúp lợi nhuận ngành ngân hàng khả quan hơn.
>> Xem thêm: Lộ dần bức tranh lợi nhuận ngân hàng qua những báo cáo đầu tiên.