Những cổ đông quyền lực, kín tiếng tại các nhà băng đồng loạt lộ diện
Gần đây, nhiều ngân hàng công bố danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, có nhiều cá nhân kín tiếng, mới lộ diện đang sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank.
Trong đó, danh sách cổ đông cá nhân bao gồm nhóm liên quan tới ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, nắm 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn) là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng, nắm 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn), bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng, nắm 325,9 triệu cổ phiếu, tương được 4,107% vốn). Tổng cộng, ông Dũng và người liên quan sở hữu 33,648% vốn của VPBank. Vào cuối năm 2023, tỷ lệ này là hơn 14%.
Đáng chú ý, trong danh sách cổ đông cá nhân của VPBank còn có những cái tên không xuất hiện trong HĐQT, Ban Điều hành hay Ban Kiểm soát của VPBank. Đó là ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn) và ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn).
Với tổng cộng gần 1,225 tỷ cổ phiếu VPB, tương đương khoảng hơn 15% vốn của ngân hàng, số cổ phiếu VPB mà 5 người này nắm giữ hiện có giá thị trường khoảng gần 22.500 tỷ đồng (gần 900 triệu USD) chiếu theo mệnh giá ngày 26/7.
OCB cũng mới công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ gồm 7 cổ đông cá nhân và 13 cổ đông tổ chức. Ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, OCB còn có 1 cổ đông "bí ẩn" khác với rất ít thông tin về danh tính là ông Nguyễn Đức Toàn sở hữu hơn 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,637% vốn điều lệ ngân hàng.
Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới hơn 77,7 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 3,784% vốn điều lệ. Tổng cộng, nhóm cổ đông này đang nắm giữ 152,4 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 7,421% cổ phần ngân hàng này.
Ước tính theo giá đóng cửa cổ phiếu OCB ngày 26/7 là 14.800 đồng/cp, số cổ phiếu OCB mà nhóm cổ đông này nắm giữ có giá trị 2.255 tỷ đồng, riêng ông Toàn là 1.150 tỷ đồng.
Tại MSB, cá nhân duy nhất sở hữu trên 1% cổ phần tại nhà băng này là ông Nilesh Ratilal Banglorewala (sinh năm 1965). Ông này đang ở hữu 66,5 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 3,32% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương giá trị thị trường 977 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã biến động khá mạnh trong 2 năm qua khi một loạt nhóm cổ đông lâu năm đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC, VinaCapital, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Công ty Âu Lạc, Vietcombank, Công ty Chứng khoán SHS...
Trong khi đó, âm thầm mua vào một lượng lớn cổ phiếu EIB, nhóm cổ đông mới của ngân hàng này đã chính thức lộ diện.
Theo danh sách do Eximbank công bố cho thấy, tại thời điểm 1/7, nhà băng này có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Gelex đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ ( hơn 85,5 triệu cổ phiếu).
Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty CP Chứng khoán VIX sở hữu 3,58% (khoảng 62,3 triệu cổ phiếu) và Công ty CP Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn (53,3 triệu cổ phiếu).
Về phía các cổ đông cá nhân, hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bao gồm bà Lê Thị Mai Loan – Phó Tổng giám đốc Eximbank sở hữu 1,03% (tương đương trên 17,9 triệu cổ phiếu) và bà Lương Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank sở hữu 1,12% vốn (tương đương hơn 19,5 triệu cổ phiếu).
Tại HDBank, CTCP Sovico, Baillie Gifford Pacific Fund và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) là cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần của nhà băng này.
Còn những cái tên sở hữu trên 1% vốn từng xuất hiện trên báo cáo quản trị của ngân hàng chưa thấy được đưa vào danh sách này như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó Chủ tịch HĐQT; ông Đào Duy Tường, Trưởng Ban Kiểm soát; ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.
Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.
Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.
Đồng thời, tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.
Trước đó, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).