Cty bà Thanh Phượng thu nghìn tỷ; bất ngờ tỷ phú THACO

Công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng thu nghìn tỷ, tỷ phú Trần Bá Dương bất ngờ dừng đầu tư vào HAGL Agrico... là tin tức nổi bật trong tuần.

Tỷ phú Trần Bá Dương bất ngờ dừng đầu tư vào HAGL Agrico

Hội đồng quản trị HAGL Agrico (Mã chứng khoán HNG) vừa thông báo sẽ dừng thực hiện các thủ tục chào bán và phát hành riêng lẻ hơn 741,4 triệu cổ phiếu HNG cho Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico).

Theo HAGL Agrico, ngày 2/7 công ty có nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán và phát hành cổ phiếu riêng lẻ do đã quá thời hạn bổ sung hồ sơ theo quy định. Đến ngày 12/7, Thagrico cũng gửi công văn thông báo quyết định dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG bởi nhiều lý do.

Cty bà Thanh Phượng thu nghìn tỷ; bất ngờ tỷ phú THACO - Ảnh 1
Ông Trần Bá Dương được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của HAGL Agrico tại phiên họp đầu năm nay. Ảnh: VnExpress

Thứ nhất Thagrico cho biết đã nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HAGL Agrico (bao gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên) vào năm 2019, với tổng diện tích 22.462 ha và tổng số tiền 7.623 tỷ đồng. Đây là hành động nhằm hỗ trợ HAGL Agrico có nguồn tiền trả nợ trung hạn ngân hàng.

Tuy nhiên dù đã hoàn tất việc thanh toán, nhưng sau 2 năm Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty trên, do các giấy tờ này đang bị giữ lại ở BIDV.

Đến cuối năm 2020 và đầu 2021, Thagrico tiếp tục nhận chuyển nhượng 4 công ty bao gồm An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đăk Lăk và Bò sữa Tây Nguyên với tổng diện tích 20.744 ha. Tuy nhiên giấy tờ đất các đơn vị này đang thế chấp để đảm bảo cho các khoản nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại BIDV.

Trong khi đó Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích của các công ty đã nhận chuyển nhượng trên, nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy tờ đất. Do đó, công ty không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này.

Thứ hai, HAGL Agrico vẫn còn gặp nhiều khó khăn và phương án tăng vốn vẫn chưa được thực hiện. Dù vậy, HAGL lại liên tục bán cổ phiếu HNG với khối lượng lớn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống 16,34% và thậm chí còn 11,43% theo đợt đăng ký mới nhất. Trong khi theo cam kết phát hành cổ phần thì nhóm HAGL phải duy trì tỷ lệ sở hữu là 25,24%. Điều này đã làm giá cổ phiếu HNG tụt xuống dưới mệnh giá.

Thứ ba, diễn biến của dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.

Không chỉ gây bất ngờ khi dừng đầu tư mới vào HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương mới đây cũng có động thái dứt khoát khi thoái toàn bộ vốn khỏi công ty Hùng Vương. Giao dịch được thực hiện ngay đầu tháng 7, chấm dứt hoạt động giải cứu “vua cá tra” một thời này chỉ sau hơn 1 năm.

 Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng thu nghìn tỷ

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố báo cáo quý II với doanh thu thuần đạt 879 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh tổng trong 6 tháng, VCI đạt 1.660 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ, hoàn thành 81% kế hoạch năm.

Riêng trong quý II, VCSC báo lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong nửa năm, doanh nghiệp của bà Phượng đạt 868 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,2 lần và đạt 69% kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Doanh thu và lợi nhuận của Chứng khoán Bản Việt tăng mạnh nhờ thị trường sôi động. Hoạt động môi giới mang về khoản thu lớn.

Về mảng ngân hàng đầu tư, VCSC chưa ghi nhận doanh thu từ các thương vụ lớn như bán 49% cổ phần FE Credit cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation, thương vụ IPO và niêm yết CTCP Dịch vụ BĐS Đất Xanh và thương vụ Masan Group mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn tham vọng lập hãng bay

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản xin Thủ tướng hỗ trợ lập hãng bay chuyên chở hàng hóa sau khi bị Bộ GTVT từ chối.

Theo đó, doanh nhân này cho biết thấu hiểu sự khó khăn của các hãng hàng không và áp lực quản lý của Bộ GTVT nên sẵn sàng chia sẻ với các hãng trong bối cảnh hiện nay.

Trong lúc đợi thị trường phục hồi (dự kiến năm 2022) như báo cáo của Bộ GTVT, Chủ tịch IPP Air Cargo kiến nghị Thủ tướng cho phép chuẩn bị các thủ tục để lập hãng bay chuyên biệt vận tải hàng hóa trong thời gian này.

Hãng dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022, tùy theo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, ông Hạnh Nguyễn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.

Trước đó, hôm 15/7, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và công ty cổ phần IPP Air Cargo. Sau cuộc họp, đại diện các hãng hàng không trong nước cùng cơ quan quản lý đều cho rằng việc lập hãng hàng không mới, bao gồm cả hãng hàng không chuyển chở hàng hóa, là chưa phù hợp khi thị trường khó khăn vì dịch bệnh.

Bộ cũng đánh giá các hãng hàng không Việt Nam đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu để duy trì sự tồn tại, trong đó có vận chuyển hàng hóa. Các hãng đã phải chở hàng hóa trong bụng tàu bay, trên khoang hành khách và chuyển đối cấu hình một số máy bay chở khách sang chở hàng.

Cơ quan quản lý khẳng định các hãng cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay. Trong những trường hợp nhu cầu đặc biệt, các hãng hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá hoặc thuê tàu bay chuyên dụng.

Theo báo cáo của Bộ, tính đến cuối tháng 6, các hãng đã hoán đổi cấu hình 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế để chở hàng trên khoang.

Về vấn đề này, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng giải pháp tháo ghế để chở hàng trên khoang khách chỉ là tạm thời, chưa phải hình thức vận tải hàng hoá chuyên nghiệp.

Ông cũng nhắc lại mong muốn lập IPP Air Cargo để giành lại thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang bị các hãng bay nước ngoài nắm giữ đến 83%. "Việc bảo hộ các hãng hàng không để dẫn tới không cấp phép cho các mới sẽ gây bất lợi với hình ảnh của nền kinh tế thị trường Việt Nam trên thế giới", doanh nhân này cho hay.

Minh Thái

Theo Đất Việt