Cuộc đua Big 4: 'Quán quân' lãi gần 1 tỷ USD sau nửa năm
Trong nhóm Big4 (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) thì 3 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II, còn Agribank mới công bố kết quả kinh doanh sơ bộ. Trong đó, Vietcombank đang tạm giữ vị trí quán quân cả nhóm và toàn ngành.
Quán quân Vietcombank: Lợi nhuận đạt hơn 20.800 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2023.
Luỹ kết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 20.835 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức lợi nhuận nửa đầu năm cao kỷ lục của nhà băng này.
Với kết quả này, Vietcombank giữ vững vị trí quán quân toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận quý II cũng như trong 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lợi nhuận nửa đầu năm cao kỷ lục của nhà băng này.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, hầu hết nguồn thu chủ chốt của Vietcombank đều sụt giảm so với cùng kỳ 2023.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 27.986 tỷ đồng, giảm 0,8%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 4,5% xuống còn 2.941 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh giảm lần lượt 26% và 76%, xuống 2.359 tỷ đồng và 21,5 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 60%, chỉ mang về hơn 532 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm giảm 5,4% so với cùng kỳ 2023, về còn 34.032 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần thu hẹp 4,8%.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí dự phòng của ngân hàng này đã giảm gần 34% so với cùng kỳ 2022 xuống còn 3.021 tỷ đồng.
Đến 30/6/2024, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,905 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8%. Số dư tiền gửi của ngân hàng đạt gần 1,375 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm trước nhưng đã hồi phục đáng kể so với cuối quý 1.
Tính đến cuối tháng 6, số dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 16.446 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2023. Trong đó, tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 16.446 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank từ 0,98% lên 1,2%, song vẫn ở mức thấp so với mặt bằng trong ngành.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tăng hơn 21% số dư dự phòng rủi ro, tương đương tăng 6.200 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 230% về 212%.
Lợi nhuận VietinBank đạt gần 13.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã: CTG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II với 6.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận VietinBank đạt gần 13.000 tỷ đồng, lọt Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành.
Trong kỳ, các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng hơn 20%, lãi thuần từ dịch vụ tăng 5,7% và từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 0,8%.
Song lợi nhuận các mảng còn lại của nhà băng này đều ghi nhận sụt giảm. Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm gần 88% chỉ mang về hơn 24 tỷ đồng, lãi thuần từ mảng kinh doanh khác cũng giảm gần 39% trong khi lãi thuần từ chứng khoán đầu tư lỗ hơn 33 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của VietinBank tăng 6,3% đạt hơn 2,16 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 1,57 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm trước. Số dư tiền gửi của ngân hàng cũng tăng ở mức khiêm tốn là 4%.
Nợ xấu là một trong những thách thức mà VietinBank phải đối mặt. Số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của ngân hàng đã tăng hơn 48% trong 6 tháng đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,57%, song vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.
Nửa năm, BIDV lãi hơn 15.500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã: BID) là ngân hàng quốc doanh đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm.
Theo đó, trong quý II, khoản thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 14.838 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng như hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số.
Trong khi đó, các khoản thu nhập từ hoạt động khác cũng giúp BIDV thu về 2.046 tỷ đồng (tăng 45%); lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối mang về 1.726 tỷ đồng (tăng 120%). Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng này tăng gần 17 lần, mang về 513 tỷ đồng.
Trái lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh sụt giảm, cùng chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhẹ.
Kết quả, trong 3 tháng gần nhất, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng là 6.534 tỷ đồng, tăng tương ứng 18%. Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của BIDV.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế của ngân hàng này đạt 12.450 tỷ đồng.
Với khoản lợi nhuận bán niên kể trên, BIDV hiện xếp thứ 3 trong danh sách các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng (sau Vietcombank với hơn 20.800 tỷ đồng và Techcombank với khoản lãi 15.628 tỷ đồng).
Tổng tài sản của ngân hàng quốc doanh này đã tăng gần 10% lên mức 2,52 triệu tỷ đồng so với đầu năm. Cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng cùng tăng gần 6%, lần lượt đạt mức 1,84 triệu tỷ và 1,8 triệu tỷ đồng.
Đi cùng đà tăng của dư nợ cho vay, số dư nợ xấu tại ngân hàng này cũng tăng 28% so với cuối năm trước, hiện ở mức gần 18.700 tỷ đồng.
Agribank: Những chỉ số sơ bộ tích cực
Trong buổi làm việc cùng với Ngân hàng Nhà nước mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chia sẻ kết quả kinh doanh sơ bộ trong nửa đầu năm 2024.
Theo đó, tính đến 30/6/2024 tổng tài sản của Agribank tăng 1,8% so với cuối năm trước, huy động vốn tại thị trường 1 tăng 1,3%. Dư nợ toàn hệ thống Agribank đến 30/6/2024 tăng 2,6%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023.
Cụ thể, vốn huy động thị trường 1 đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,59 triệu tỷ đồng.