‘Cuộc đua’ lãi suất huy động sẽ chấm dứt đầu năm 2023?

(CL&CS) - Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục tăng nhanh trong vòng 2 tháng qua kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hàng loạt mức lãi suất điều hành. Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng “nóng” khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi tăng theo từng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện giúp Việt Nam có điều kiện để giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.

Lượng tiền gửi vào ngân hàng suy giảm

Một số nhà băng ghi nhận tình trạng tiền gửi của khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 suy giảm như MB giảm 2%, xuống 377.145 tỷ đồng, Bản Việt giảm 4%, xuống 43.386 tỷ đồng, KienLongBank giảm 18%, còn 42.225 tỷ đồng,…

Lượng tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng suy giảm
Lượng tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng suy giảm

Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,31 triệu tỷ đồng, giảm 78.818 tỷ đồng so với tháng 7. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 87.783 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,67 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư tăng 7.955 tỷ đồng, lên trên 5,63 triệu tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trưởng mạnh và vượt qua lượng tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021. Kể từ đầu năm 2022, tiền gửi của người dân đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn của hệ thống, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng.

Vì thế, các nhà băng không ngừng tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, với kỳ vọng thu hút tiền nhàn rỗi, chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu vốn của khách hàng khi được cấp room tín dụng vào đầu năm tới.

Liên tục cập nhật lãi suất

Chỉ tính riêng trong tháng 11, ngân hàng VPBank đã có 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. So với cuối tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng 0,7 điểm %. Nếu tính từ đầu tháng 10, biểu lãi suất huy động tại nhà băng này đã tăng xấp xỉ 2 điểm %.

Techcombank cũng có 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Hiện lãi suất cao nhất nhà băng này niêm yết là 9,3%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; 6 tháng trở lên ở mức 9%/năm. So với cuối tháng 10, các mức lãi suất này của Techcombank đã tăng tới 1,6 điểm %.

Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất 10,5%/năm cho khoản gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng đã không còn được niêm yết. Thay vào đó, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 8,95%/năm đối với tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên; 8,85%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng; 8,75%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng.

Ngoài ra, NCB còn ưu đãi cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi trên NCB iziMobile cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Như vậy, lãi suất cao nhất khách hàng có thể được hưởng tại NCB là 9,15%/năm. Còn với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, NCB áp dụng lãi suất cao nhất là 8,65%/năm cho tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Gần đây một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay như ACB, HDBank, Agribank, Vietcombank để kích cầu tín dụng cuối năm.

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng hiện đã dao động quanh mức 8-9%/năm và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại các khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn và vay vốn của ngân hàng.

Tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, trong khi đó hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực khác không còn dư dả.

Một số công ty chứng khoán dự báo, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành tới 100 điểm cơ bản trong vài tháng tới. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là "rất dở".

Vị chuyên gia này dẫn chứng, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 9%, lạm phát 3% như vậy lãi suất thực là 6%, gấp đôi lạm phát, một số trường hợp gấp 2,5 đến 3 lần lạm phát. "Khi lãi suất thực cao như vậy, đồng nghĩa việc đang xói mòn rất nhanh chóng nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa lãi suất cao vừa "gánh" áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái. Nếu tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp nào chịu đựng nổi?".

Các chuyên gia nhận định, sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt như: Fed cân nhắc tăng lãi suất ở mức độ nhẹ; lạm phát tại các nước bớt căng thẳng... Trong nước, lạm phát giữ ở mức mục tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023.

 
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng. "Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền​ tệ", ông Hà nhấn mạnh.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống