Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng
Lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng đang ở mức 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Lãi suất tăng 350 - 400 điểm cơ bản
Trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh hoạt thông qua hoạt động thị trường mở (OMO). Nghiệp vụ OMO vẫn được sử dụng xuyên suốt tuần với khối lượng trúng thầu là 29,4 ngàn tỷ đồng, trên tổng số 35 ngàn tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn phát hành duy trì ở ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu là 6%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tín phiếu.
Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6,4 ngàn tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng nhẹ lên 72,9 ngàn tỷ đồng và khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 40 ngàn tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy lên gần mức 6%, tăng 50 điểm cơ bản so với tuần trước đó.
Mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tuần qua. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350 - 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ Ngân hàng Nhà nước (tính đến cuối tháng 10) vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động - tín dụng của nền kinh tế.
Trái ngược lại, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế. Trên thực tế, trong vòng vài ngày qua, hai ngân hàng là Vietcombank và HDBank đã công bố việc giảm lãi suất cho vay 0,5 - 3,5%/năm đối với các khoản vay VNĐ đối với một số nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12.
Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch gọi thầu quý 4/2022
Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 9,5 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở kỳ hạn 10 năm, trên tổng số 13 ngàn tỷ đồng gọi thầu. Lợi suất trúng thầu tiếp tục tăng 20 điểm cơ bản so với tuần trước, ở mức 4,8%. Như vậy, chênh lệch lợi suất trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đã thu hẹp chỉ còn khoảng 15 điểm cơ bản và sẽ kích hoạt nhu cầu tham gia thị trường sơ cấp từ các ngân hàng thương mại.
Tính đến hiện tại, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 176 ngàn tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch phát hành năm mới và 61% kế hoạch phát hành quý 4/2022. Kho bạc Nhà nước đã chính thức điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2022, cũng như công bố kế hoạch phát hành quý 4.
Kế hoạch 2022 đã được điều chỉnh giảm mạnh xuống chỉ còn 215 ngàn tỷ đồng từ mức cũ 400 ngàn tỷ đồng, trong khi kế hoạch quý 4 ghi nhận 100 ngàn tỷ, giảm 26% so với cùng kỳ và tập trung vào kỳ hạn 10 năm (60 ngàn tỷ đồng) và 15 năm (30 ngàn tỷ đồng). Với mức điều chỉnh này, Kho bạc Nhà nước có thể hoàn thành kế hoạch phát hành trong năm nay khi chỉ còn khoảng 48 ngàn tỷ đồng cho 6 tuần giao dịch.
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu đi ngang ở các kỳ hạn. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (4,73%, 0 bps), 3 năm (4,76%; 0 bps); 5 năm (4,80%, +1 bps); 10 năm (4,91%, +1 bps); 15 năm (5,03%, 0 bps); 20 năm (5,22%, +0 bps) và 30 năm (5,33%, +0bps). Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tiếp tục cải thiện, tăng lên 2,8 ngàn tỷ đồng (+7,6%), trong khi đó khối ngoại tiếp tục bán ròng 137 tỷ đồng, ở kỳ hạn 20 - 25 năm.