Đại gia BĐS sở hữu dự án toà tháp cao nhất Việt Nam tại Vân Đồn là ai?

Ngày 13/7/2018, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phân khu B8 thuộc Dự án Con đường di sản Vân Đồn, trong đó điểm nhấn là tòa tháp biểu tượng cao 88 tầng với 3.061 phòng tại khu dịch vụ hỗn hợp, khách sạn, biệt thự. Tuy nhiên, dư luận đang xôn xao không biết đại gia nào là chủ của dự án này?

Theo quy hoạch, phân khu B8 Dự án Con đường di sản Vân Đồn gồm: 156 căn biệt thự hướng biển, 35 căn biệt thự trên biển, 38 căn biệt thự trên mặt nước; 2 khách sạn 18 tầng quy mô hơn 1.735 phòng; 1 khách sạn 42 tầng có 1.234 phòng; 3 tháp hỗn hợp khách sạn, resort hội nghị cao 43 tầng với 1.243 phòng.

Phân khu B8 có diện tích quy hoạch là 109,63ha, dự kiến phục vụ tới 22.550 người. Dự án được xây dựng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, phía Tây Nam giáp dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, phía Đông Nam là vịnh Bái Tử Long, Đông Bắc giáp dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng của huyện và phía Tây Bắc là đường tỉnh 334.

Trục giao thông chính của dự án là đường tỉnh 334 với 6 làn xe lưu thông. Đặc biệt dự kiến xây dựng tuyến đường xe điện và tuyến đường sắt trên cao nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông giữa Sân bay - Khu đô thị Cái Rồng - Khu Casino và về sân bay.

Dự án Con đường di sản Vân Đồn do Công ty CP Vân Đồn Heritage Road thực hiện với 9 phân khu chức năng rộng 3.300ha, gồm: Hải Vân - Resort chủ đề đại dương; Kỳ Vân - Khu dân cư cao cấp; Lâm Vân - Khu sinh thái; Vân Uyển - Làng tiên cảnh trên đỉnh đồi; Vân Hạc - Sân golf trên đồi; Vân Tịnh - Khu du lịch tâm linh; Lạc Vân - Khu sườn núi cao cấp; Vân Cảng - Khu Resort bờ biển; Ngọc Vân - Cụm đảo kỳ vĩ...

Lộ diện đại gia sở hữu toà tháp cao nhất Việt Nam tại Vân Đồn

Với quy mô rất lớn nhưng chủ đầu tư toàn bộ dự án này lại là một gương mặt khá mới - Công ty CP Vân Đồn Heritage Road. Nhiều người bắt đầu tò mò về ông chủ thực sự của tòa tháp cao nhất Việt Nam trong tương lai này là ai?

Qua tìm hiểu thông tin được biết Công ty CP Vân Đồn Heritage Road được thành lập ngày 16/10/2017 có trụ sở chính tại toà nhà Toà nhà Mai Quyền, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh, do ông Tạ Đức Quyết làm Chủ tịch.

Điều bất ngờ Công ty CP Vân Đồn Heritage Road được thành lập chỉ sau 6 ngày sau khi công ty mẹ là Cty cổ phần Heritage Holding được thành lập vào ngày 10/10/2017. Theo thông tin Hoanhap.vn có được, cổ đông hiện tại của Công ty CP Vân Đồn Heritage Road gồm có Công ty CP Heritage Holding chiếm 68%, Công ty TNHH MTV Mai Quyền 30% (công ty của ông Tạ Đức Quyết), Tạ Đình Mai chiếm 2%.

Như vậy, sở hữu vốn và là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Vân Đồn Heritage Road là công ty CP Heritage Holding chiếm tới 68%, công ty này do ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch.

Về cơ cấu và tỷ lệ vốn góp tại công ty CP Heritage Holding gồm công ty CP Crystal Bay chiếm 66%, Ông Lê Đình Vinh chiếm 22%, Công ty TNHH GID Holding chiếm 12%.

Điều đáng lưu ý là Ông Nguyễn Đức Chi cũng là Chủ tịch của Công ty Crystal Bay, riêng công ty TNHH GID Holding sau khi thành lập (28/9/2017) đã ngừng hoạt động 4/12/2017 và cũng không hiểu lý do tại sao vẫn chưa đóng được mã số thuế?

Qua thông tin của Hoanhap.vn được biết hiện nay cá nhân ông Nguyễn Đức Chi đang đại diện pháp lý cho 26 doanh nghiệp trải rộng khắp từ Bắc Trung Nam với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó 25 doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường, chỉ có một doanh nghiệp là công ty TNHH Đóng tàu Trường Sa đã ngừng hoạt động từ tháng 2/2016, nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để đóng mã số thuế.

Ông Nguyễn Đức Chi từng vướng “lao lý” với dự án Rusalka

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đức Chi không phải ai xa lạ mà đây chính là đại gia có nhiều lùm xùm trong quá khứ với siêu dự án Nàng Tiên Cá - Rusalka với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD tại Nha Trang, Khánh Hòa. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chi là Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RIT (Rus-Invest-Tur) chủ đầu tư dự án Rusalka. 

Vào năm 2005, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RIT Nguyễn Đức Chi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau đó, ông Chi bị phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng trái phép tài sản”. Tài sản của Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT tại dự án Rusalka (Nàng Tiên Cá) cũng bị Bộ Công an tịch biên. 

Đại gia BĐS sở hữu dự án toà tháp cao nhất Việt Nam tại Vân Đồn là ai? - Ảnh 1

Biển Bãi Tiên bị Dự án Champarama Resort & Spa xâm hại không thương tiếc. Ảnh SGGP 

Thời điểm đó Bộ Kế hoạch Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi giấy phép đầu tư của RIT còn UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này.

5 năm sau, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy kê biên các tài sản tại Rusalka và trao trả lại cho ông Nguyễn Đức Chi khi ông ra tù vào năm 2010.

Ngay sau khi ra tù, ông Chi đã lập Công ty Cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) do ông Nguyễn Đức Chi làm đại diện để tiếp tục thực hiện dự án Rusalkam (hiện tại công ty này đã được đổi tên thành công ty CP Du lịch Champarama và đổi người đại diện pháp lý là Lê Minh Tâm). Cuối tháng 10/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định chọn công ty này là nhà đầu tư chính thức của dự án.

Theo giấy chứng nhận đầu tư mới, dự án có tên gọi khác là Champarama Resort & Spa có diện tích hơn 44ha, gồm khu B có diện tích gần 30ha, khu C diện tích gần 14ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (trong đó giá trị đã thực hiện là 600 tỷ đồng).

Sau khi tái khởi động lại dự án Champarama Resort & Spa, ông Chi đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại Champarama Resort & Spa. Song song với đó, ông cũng đã đầu tư xây dựng và đưa quần thể dự án Camranh Riviera Resort & Spa 5 sao vào khai thác vào năm 2015. 

Tưởng rằng sau khi dự án Champarama Resort & Spa đi vào hoạt động thì mọi thứ đã êm xuôi nhưng năm 2017 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Du lịch Champarama do đã đổ đá, đất lấn ra vịnh Nha Trang hơn 1,7ha so với ranh giới được giao và hành vi không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh khi xây dựng dự án.

Đến tháng 2/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ nội dung về dự án Champarama và một số dự án khác có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.

Theo SGGP, trước đây, khi khởi công dự án Rusalka, ông Nguyễn Đức Chi cũng đã có hành vi san lấp biển trái phép và đã bị xử phạt hành chính. Sau ngày ra tù, ông Chi làm chủ một số dự án dọc bãi biển Nha Trang và tiếp tục sai phạm, trong đó phải kể đến những hành vi lấp biển quy mô lớn tại dự án Công viên Bến du thuyền tại Nha Trang. Nhưng hết lần này đến lần khác, chỉ xử phạt hành chính.

Trong khi dự án Champarama Resort & Spa của công ty CP Du lịch Champarama vẫn đang nằm trong danh sách những dự án lấn biển Nha Trang nghiêm trọng nhất thì năm 2017 ông Nguyễn Đức Chi tiếp tục trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Heritage Holding góp vốn tới 68% tại công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road để chuẩn bị xây dựng siêu dự án Con đường di sản Vân Đồn với điểm nhấn là tòa tháp cao 88 tầng.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Công ty CP Vân Đồn Heritage Road về dự án “Con đường di sản Vân Đồn”. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm tại Vân Đồn có quy mô dự kiến 3.300ha. Theo đơn vị tư vấn, đây là dự án khu du lịch, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao với hệ thống du lịch liên hoàn. Dự án nằm trên khu đồi kéo dài từ xã Đông Xá đến xã Hạ Long. Con đường di sản này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn được sử dụng cho mục đích cứu hộ, bảo vệ rừng và phục vụ mục đích quốc phòng khi cần thiết.

Dư luận, kỳ vọng rằng UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt chẽ những hoạt động thi công của chủ đầu tư để không tái diễn giống các dự án khác khi lấn biển, mất cảnh quan thiên nhiên của dự án, tuyệt đối không để tái diễn giống dự án Champarama Resort & Spa. 

Theo Tuệ Phong/Hoanhap.vn

Tin liên quan