Đề xuất nới quyền mua nợ xấu cho VAMC

NHNN đề xuất nới phạm vi hoạt động mua nợ xấu của VAMC; mở rộng quyền phát hành trái phiếu cho VAMC, cho phép áp dụng 4 phương thức linh hoạt để mua nợ xấu.

Đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động mua nợ xấu của VAMC

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong đó, NHNN đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động mua nợ xấu của VAMC.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cho phép VAMC được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá thị trường. Nhưng Nghị định 53 chưa có quy định về việc này.

Vì vậy, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 53, điều chỉnh phạm vi hoạt động mua nợ xấu của VAMC là mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam; mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá thị trường.

"Việc này tạo điều kiện cho VAMC mua nợ của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá thị trường, bảo đảm sự công bằng, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng...", NHNN cho hay.

Dự thảo cũng bổ sung cơ chế cưỡng chế bán nợ đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên, đi kèm yêu cầu kiểm toán độc lập và phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.

Đáng chú ý, phần chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường khi bán nợ sẽ được phép phân bổ dần vào chi phí hoạt động trong tối đa 5 năm, áp dụng với các tổ chức tín dụng lỗ hoặc có nguy cơ thua lỗ do bán nợ. Quy định này nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn xử lý nợ xấu mà không gây áp lực đột biến đến báo cáo tài chính.

Đề xuất nới quyền mua nợ xấu cho VAMC - Ảnh 1

VAMC cũng được phép thuê tổ chức định giá độc lập để thẩm định khoản nợ và tài sản bảo đảm khi cần thiết, bảo đảm tính khách quan và sát với giá thị trường.

Lên phương án mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC

Cũng tại dự thảo này, NHNN nêu quan điểm hủy bỏ quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 53 và các điều khoản liên quan về việc hội đồng thành viên của VAMC phải trình Thống đốc NHNN chấp thuận phương án mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường trước khi thực hiện.

Đồng thời, hủy bỏ quy định NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Bởi Quyết định 195/QĐ-NHNN ngày 13/2/2023 của Thống đốc NHNN quy định về trình tự, thủ tục, phê duyệt kế hoạch kinh doanh… đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó có VAMC, cụ thể kế hoạch kinh doanh của VAMC trình NHNN phê duyệt bao gồm: kế hoạch mua nợ (bằng trái phiếu đặc biệt, theo giá trị thị trường), kế hoạch xử lý các khoản nợ đã mua.

NHNN đánh giá, việc sửa đổi này giúp giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho VAMC và giảm cả chi phí liên quan đến phê duyệt, chấp thuận phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường và phương án phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Một điểm mới nổi bật trong dự thảo là bổ sung Điều 14a, quy định rõ VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá thị trường, thay vì chỉ được phát hành trái phiếu đặc biệt như trước đây.

Theo quy định mới, hoạt động phát hành trái phiếu để mua nợ theo cơ chế thị trường của VAMC sẽ không phải tuân thủ quy định chung về điều kiện, thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như không áp dụng nguyên tắc huy động vốn theo quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

VAMC có thể áp dụng 4 phương thức phát hành: đấu thầu, bảo lãnh, đại lý và bán trực tiếp. Đây là các phương thức phổ biến trên thị trường vốn, giúp VAMC linh hoạt lựa chọn kênh phân phối phù hợp với điều kiện thị trường và nhà đầu tư mục tiêu.

Minh Anh

Theo Vietnamfinance