Đầm nước rộng thứ hai Việt Nam, gấp 10 lần Hồ Tây sẽ trở thành trung tâm mới của TP có mật độ dân số gấp 3 lần so với mật độ dân số trung bình cả nước

Đầm này là món quà thiên nhiên hiếm có, mang tiềm năng phát triển chưa được khai thác hết.

Đầm Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định, nằm trong địa phận TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát. Đây là nơi hợp lưu của hai con sông lớn: sông Côn và sông Hà Thanh, với phía nam đầm giáp cảng Quy Nhơn.

Với chiều dài khoảng 16km, chiều rộng từ 500m đến 5km, tổng diện tích mặt nước của đầm Thị Nại lên đến hơn 50km2, đứng thứ hai trong các đầm phá tại Việt Nam, chỉ sau phá Tam Giang - Cầu Hai ở Thừa Thiên Huế. Đầm Thị Nại có diện tích gấp 10 lần Hồ Tây ở Hà Nội (khoảng 5km2).

Nhờ vị trí kín gió, được bao bọc bởi hệ thống núi đá trùng điệp của bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại trở thành một tấm bình phong tự nhiên bảo vệ cho TP. Quy Nhơn.

Đầm Thị Nại sẽ trở thành trung tâm mới của TP. Quy Nhơn
Đầm Thị Nại sẽ trở thành trung tâm mới của TP. Quy Nhơn

Bên cạnh đó, đầm Thị Nại còn sở hữu cây cầu Thị Nại bắc qua đầm, nối liền thành phố với bán đảo Phương Mai, là nơi lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh đầm phá rộng lớn, nơi những chiếc thuyền chài của ngư dân lặng lẽ giăng lưới.

Cầu Thị Nại có tổng chiều dài hơn 7km, gồm 5 cầu ngắn và cầu chính dài gần 2,5km, từng là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với 54 nhịp. Khu vực đầm Thị Nại còn sở hữu hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn rải rác xung quanh, là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

TP. Quy Nhơn hiện hữu nằm giữa núi và biển với diện tích chưa đến 285km2 và mật độ dân số trung bình hơn 1.000 người/km2, gấp ba lần so với mật độ dân số trung bình cả nước. Không gian nội thành dường như không đủ để phát triển một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, với đầm Thị Nại rộng lớn nằm ngay trong lòng thành phố, Quy Nhơn sở hữu một món quà thiên nhiên hiếm có, mang tiềm năng phát triển chưa được khai thác hết.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Quy Nhơn sẽ mở rộng về phía Đông Bắc với đầm Thị Nại làm trung tâm. Phía đông Bắc, bán đảo Phương Mai sẽ phát triển thành một đô thị hiện đại và sầm uất, trong khi phía Tây Bắc, các xã thuộc huyện Tuy Phước sẽ hình thành các khu đô thị sinh thái yên bình.

Các khu đô thị ven đầm Thị Nại sẽ trở thành vùng lõi, đóng vai trò trung tâm của Quy Nhơn, kết nối với các khu đô thị logistics ở sân bay Phù Cát, thị xã An Nhơn và các khu đô thị ven biển, tạo nên diện mạo mới văn minh và hiện đại cho tỉnh Bình Định.

Để tăng cường kết nối và mở rộng thành phố, Quy Nhơn dự kiến xây dựng thêm cầu Thị Nại 2 bắc qua đầm (song song với cầu hiện hữu), cùng với cầu Thị Nại 3, 4 nối các trung tâm huyện, thị xã và Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các bãi đỗ và bến xe khách tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tạo đà phát triển cho tương lai đô thị.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống