'Dân làm khổ dân', chung cư cao cấp hơn 6.000 người sống trong lo sợ
Phòng cháy chữa cháy không bảo đảm, công ty quản lý vận hành tạm chậm trễ duy tu, bảo trì thang máy, gây nguy cơ mất an toàn, BQT có dấu hiệu “không công khai” các hoạt động thu, chi tài chính… khiến hàng ngàn cư dân khu đô thị Rừng Cọ, Ecopark “bức xúc”.
Đáng lo vì không có đơn vị vận hành chính thức
Từ trước tới nay, tưởng chừng tranh chấp trong việc vận hành toà nhà chung cư thường chỉ xảy ra giữa cư dân, đại diện cư dân là ban quản trị với chủ đầu tư dự án, nhưng đây lại là “cuộc chiến nội bộ” giữa cư dân với đại diện của mình để đòi bảo đảm quyền lợi.
Anh Nguyễn Hoàng (36 tuổi), cư dân đã ở Rừng Cọ 10 năm cho biết, trước đây chung cư được quản lý và vận hành bởi ECO PM, một công ty con của chính chủ đầu tư Ecopark. Từ thời điểm có ban quản trị mới năm 2021, việc đầu tiên là chấm dứt hợp tác với đơn vị vận hành ECO PM.
“Việc này ban quản trị tự quyết, không thông qua lấy ý kiến cư dân, bản thân tôi cũng như đa phần cư dân khá hài lòng với ECO PM, họ đã quản lý vận hành từ thời điểm năm 2013”, anh Hoàng chia sẻ thêm.
Còn theo ông Vũ Đình Chiểu (60 tuổi) cư dân sinh sống khu Rừng Cọ từ 2016, sau khi BQT chấm dứt hợp tác với ECO PM, họ đưa vào đơn vị quản lý vận hành mới là An Phú Gia. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm An Phú Gia triển khai, chất lượng vận hành quá yếu kém, đơn vị này không có kinh nghiệm vận hành các khu đô thị lớn, cuối cùng cư dân biểu quyết công khai và loại đơn vị này. Tìm hiểu kỹ mới biết An Phú Gia không đủ điều kiện tham gia dự thầu và hồ sơ năng lực không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
“Lúc đầu chúng tôi tin tưởng BQT, nhưng sau khi thấy An Phú Gia yếu kém, tìm hiểu kỹ thì nhận thấy không đủ tiêu chuẩn, không hiểu bằng cách nào đó công ty này lại được tham gia và trúng thầu”, ông Chiểu đặt câu hỏi.
Bà Thu Hà (65 tuổi), cư dân sống tại toà D1, bức xúc, cách làm việc của ban quản trị gây khó dễ cho cư dân. Cư dân yêu cầu được đối thoại để tìm tiếng nói chung, nhưng BQT thoái thác, không gặp gỡ, không trả lời, thậm chí còn lập vi bằng và đưa đơn kiện ra công an.
“Chúng tôi phải sống trong lỗi lo sợ thiếu an toàn cả về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đơn vị quản lý “tạm” là PMC vận hành yếu kém, chưa kể môi trường căng thẳng trông mối quan hệ 3 bên giữa cư dân, ban quản. BQT không hề xin ý kiến cư dân, nhưng đòi hỏi chủ đầu tư những thứ mà không phải là ý chí của tập thể cư dân Rừng Cọ”, bà Hà nói thêm.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Ban quản trị chung cư Rừng Cọ được công nhận hoạt động từ ngày 19/11/2021 gồm 12 thành viên với nhiệm kỳ 03 năm. Sau một thời gian, ban quản trị hoạt động không hiệu quả và các thành viên liên tục xin rút.
Tuy nhiên, ngày 11/12/2023, UBND huyện Văn Giang ban hành Quyết định về việc chấp thuận Kiện toàn Ban quản trị chung cư Rừng Cọ số 13459/QĐ-UBND ngày 11/12/2023, ghi nhận 11 thành viên Ban quản trị, thay thế các quyết định trước đây liên quan đến việc công nhận Ban quản trị, công nhận bổ sung thành viên Ban quản trị.
Phản ứng về thông tin trên, cư dân cho rằng họ không hề được tham gia biểu quyết về việc bầu lại/ kiện toàn thành viên Ban quản trị như trên. Việc xin ý kiến cư dân để bầu bổ sung, kiện toàn thành viên Ban quản trị không được thực hiện đầy đủ, nhiều cư dân không biết để có ý kiến và tham gia bầu cử.
“Nội dung quyết định của UBND huyện Văn Giang cũng quy định không rõ ràng về việc các thành viên này được kiện toàn và bổ sung để hoạt động trong nhiệm kỳ hiện tại của Ban quản trị (từ 19/11/2021 đến 19/11/2024) hay được bầu lại với nhiệm kỳ mới?”, một bộ phận cư dân đặt câu hỏi.
Câu hỏi về thông tin minh bạch?
Theo phản ánh của cư dân Rừng Cọ, Ban quản trị đã không cung cấp công khai các hạng mục bảo trì, bảo dưỡng, định kỳ với cư dân theo quy định và hàng năm cũng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo quy định của Luật. Với những nội dung lớn như kế hoạch bảo trì định kỳ, bảo dưỡng, hợp đồng ký với An Phú Gia, kiểm toán, thu chi quỹ bảo trì cũng không công khai rõ ràng, hoặc có thì thông tin rất nhỏ giọt. Đa phần là những thông tin gửi cư dân là những báo cáo đột xuất.
“Chúng tôi gặp khó khăn trong quy trình làm việc với BQT, đưa ra ý kiến thắc mắc trên nhóm cư dân thì họ cho là không chính thống, gửi email thì không nhận được phản hồi, đến gặp trực tiếp thì chỉ có trợ lý tiếp thu ý kiến, rất khó khăn gặp trưởng BQT để đối thoại”, anh Nguyễn Hoàng nói thêm.
Các cư dân còn cho rằng, BQT không thông báo, công khai nội dung hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng bảo trì đã ký kết tại hội nghị nhà chung cư. An Phú Gia quản lý và vận hành trong vòng 1 năm nhưng chưa có hợp đồng bảo trì, khiến cho việc bảo dưỡng, duy tu thang máy, thiết bị phòng cháy chữa cháy chậm trễ, đó là nguyên nhân dẫn đến chung cư Rừng Cọ đã bị Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra và phạt vi phạm hành chính về việc không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật.
“Thiết bị PCCC hỏng hóc rất nhiều, nhân sự đơn vị PMC thì không biết vận hành, hệ thống PCCC không được kết nối với bể ngầm. Vậy nếu có cháy thì phải làm thế nào, nước lấy từ đâu ra để chữa cháy”, một cư dân bức xúc nói.
Trao đổi với 1 số luật sư cho biết, theo văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BXD năm 2021 có quy định, tại hội nghị nhà chung cư, BQT phải có trách nhiệm trình lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống kỹ thuật cho phần diện tích chung của toà nhà, và trong quá trình thực hiện để thể hiện tính minh bạch thì BQT cần có sự cầu thị, mời các cư dân quan tâm, có trình độ chuyên môn tham gia vào các tổ lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng. Và hết một năm tài khoá thì BQT cần công khai, minh bạch quyết toán công tác bảo trì của năm đó và thông tin đến cư dân.
Được biết vào ngày 24/03/2024, BQT chung cư Rừng Cọ có tổ chức Hội nghị Nhà chung cư bất thường có sự tham gia của đơn vị chính quyền là UBND Xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Tuy nhiên, do chỉ có 549/1525 tổng số chủ sở hữu căn hộ và các diện tích khác tham gia, đạt tỷ lệ 36%. Vì vậy mà hội nghị này không đủ điều kiện tiến hành.
Trước đó, khi An Phú Gia không được cư dân chấp thuận cho tiếp tục vận hành, BQT đã tiến hành tổ chức thêm 2 Hội nghị Nhà chung cư bất thường để chọn đơn vị quản lý vận hành mới, nhưng đều thất bại.
Đó là lý do, thời điểm này hơn 6.000 cư dân Rừng Cọ, trong khu đô thị Ecopark, phải sống trong lỗi lo sợ vì không có đơn vị vận hành chính thức. Chỉ có đơn vị vận hành tạm đó là PMC với rất nhiều yếu kém và bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các cư dân.