Dáng dấp siêu đô thị biển Sầm Sơn

Từ trăm năm trước, Sầm Sơn đã được biết đến là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của miền Bắc, với bãi cát dài hàng km, rộng hàng trăm mét, sóng nước mênh mang, núi non hữu tình, sản vật phong phú. Nhưng suốt trăm năm qua, Sầm Sơn vẫn chỉ là một “nơi dừng chân” thay vì “một điểm đến”. Phải tới những năm gần đây, Sầm Sơn mới có được vận hội mới, để từ đó vươn lên, định hình vóc dáng của một siêu đô thị biển.

Đường về với biển

Thanh Hóa được ví như cái yết hầu của nước Việt, khi chắn ngang con đường thiên lý Bắc – Nam. Vượt qua Tam Điệp sơn, Quốc lộ 1A chạy qua các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa rồi xuyên tâm TP. Thanh Hóa xuống tới Quảng Xương, Tĩnh Gia, tổng cộng dài khoảng 100km.

Sầm Sơn nằm ở phía đông Quốc lộ 1A, khoảng 15km tính từ TP. Thanh Hóa, vốn là một phần của huyện Quảng Xương (dấu vết lịch sử này còn tồn tại ở tên gọi các phường xã thuộc Sầm Sơn bây giờ: Quảng Cư, Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh). Trước đây, muốn xuống Sầm Sơn, người xứ Thanh chỉ có một con đường là Quốc lộ 47, từ trung tâm TP. Thanh Hóa đi xuyên huyện Quảng Xương, xuống đến phường Trường Sơn là ra mặt biển. Đây là phần phía nam của Sầm Sơn, nơi có núi Gầm, sau đọc chệch thành núi Sầm – căn nguyên của tên gọi Sầm Sơn, hay còn được gọi là núi Trường Lệ. Đền Độc Cước, hòn Trống Mái đều nằm trên danh thắng này.

Hơn mười năm trước, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phá thế độc đạo của Sầm Sơn. Tỉnh làm tuyến đường tránh TP. Thanh Hóa trên địa phận huyện Hoằng Hóa, nối từ xã Hoằng Quỳ, qua Hoằng Cát, Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, đến xã Hoằng Quang, vượt sông Mã, làm cầu Nguyệt Viên.

Từ đó trở về nam, một vùng đất rộng lớn được quy hoạch thành trung tâm hành chính mới của TP. Thanh Hóa và các dự án đô thị cỡ lớn của Vingroup, Eurowindow Holdings… Cũng ngay dưới chân cầu Nguyệt Viên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng một tuyến đường chạy song song với Quốc lộ 47, nối trung tâm hành chính mới của TP. Thanh Hóa với Sầm Sơn, mang tên đại lộ Nam Sông Mã. Từ đó, dòng xe từ các tỉnh phía bắc đến với Sầm Sơn đều lưu thông trên đại lộ này. Quốc lộ 47 lui về giữ vị trí của một tuyến đường giao thông nội tỉnh.

Thế độc đạo được phá vỡ, Sầm Sơn như được mở toang cánh cửa phát triển. Năm 2014, Tập đoàn FLC đã đi theo đại lộ Nam Sông Mã, đến vùng đất phía bắc của Sầm Sơn, nơi sông Mã gầm gào đổ ra biển (phường Quảng Cư), đặt những viên gạch đầu tiên cho tổ hợp nghỉ dưỡng hoành tráng sau này (tức FLC Sầm Sơn). Năm 2016, tuyến đường ven biển mang tên Hồ Xuân Hương được nâng cấp, mở rộng, trở thành một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Một dải bờ biển hơn 5km, từ FLC Sầm Sơn cho đến chân núi Trường Lệ như được thay áo mới, bừng lên sức sống, điều mà trăm năm qua chưa từng được trông thấy.

Chưa hết, tỉnh Thanh Hóa còn cho xây dựng tuyến đường ven biển, nối từ xã Tiên Trang (huyện Quảng Xương) lên phường Quảng Châu (Sầm Sơn). Tuyến đường đưa vào sử dụng năm 2021, thúc đẩy dòng khách từ phía nam về với biển, biến Sầm Sơn trở thành điểm đến du lịch số 1 tỉnh Thanh Hóa và sánh ngang với những danh thắng du lịch biển hàng đầu Việt Nam.

Một siêu đô thị biển đang thành hình

Cùng với sự phát triển của hạ tầng, diện mạo đô thị của Sầm Sơn được đổi thay rõ nét. Công trình lớn đầu tiên phải kể đến là dự án khu đô thị du lịch sinh thái hai bên bờ sông Đơ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD4. Dự án nằm bên Quốc lộ 47, có thể xem là khu đô thị lớn nhất phía nam Sầm Sơn với quy mô gần 70ha. Hiện, dự án đã xong 3 giai đoạn đầu, đang chuẩn bị cho giai đoạn thứ 4. Tuy vậy, về tổng thể, dự án mới chỉ xây dựng được hình hài cơ bản, chưa tạo lập thành một khu dân cư đông đúc và hiện đại.

Bởi vậy, dù ra đời sau, nhưng FLC Sầm Sơn mới là đại dự án mang ý nghĩa bước ngoặt đối với Sầm Sơn. Từ một vùng đất nông nghiệp, thấp trũng, nhiều đầm lầy ven cửa sông Mã, Tập đoàn FLC đã xây dựng nên một tổ hợp khách sạn - nghỉ dưỡng – đô thị rộng 300ha, tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng chỉ trong thời gian kỷ lục 14 tháng. Các hạng mục nổi bật nhất của đại dự án này gồm: sân golf 18 hố dạng links, khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson, bể bơi nước mặn 5.100 m2, khách sạn 5 sao FLC Luxury Hotel Samson, khách sạn 5 sao FLC Grand Hotel Samson, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ…

Kể từ khi có FLC Sầm Sơn, du lịch của thành phố phát triển mãnh liệt. Đến năm 2019, Sầm Sơn đã đón 4,95 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 4.580 tỷ đồng. Năm 2020 - 2021, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, số lượt khách du lịch vẫn đạt lần lượt 3,25 triệu và 1,55 triệu. Đến năm 2022, khi dịch bệnh được dập tắt, số du khách lập tức tăng vọt lên 6,8 triệu lượt, doanh thu ước đạt gần 14.000 tỷ đồng (tính hết 10 tháng).

Sự phát triển mạnh của du lịch đã thúc đẩy sự nở rộ của các loại hình lưu trú. Tính đến tháng 10/2022, toàn thành phố có 710 cơ sở lưu trú với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách (trong đó có 105 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng 1 – 5 sao với gần 7.000 phòng). Ngoài ra, dịch vụ F&B cũng phát triển mạnh mẽ với khoảng 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ để giúp Sầm Sơn định dạng một siêu đô thị biển. Thành phố cần nhiều hơn các khu phức hợp thương mại, các trung tâm giải trí, các quần thể đô thị hiện đại, đẳng cấp. Và đó là lý do để Sun Group hiện diện với một siêu dự án quy mô hơn 1.200ha, mang tên Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.

Tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới hơn 1 tỷ USD. Dự án bao gồm nhiều hạng mục như: quảng trường biển rộng 2ha, sức chứa 10.000 người; trục đại lộ thương mại - lễ hội dài 2,6km, rộng 120m quy mô bậc nhất Việt Nam, tổ hợp công viên vui chơi giải trí Sun World rộng 33ha, các dự án khu đô thị thương mại, nghỉ dưỡng như Sun Grand Boulevard, Sun Riverside Village…

Từ năm 2019 đến nay, dự án đã được xây dựng nhanh chóng. Ghi nhận thực tế đến hết tháng 11/2022, khu vực quảng trường biển đã hoàn thiện, Sun Riverside đang thi công, Sun World đã xây dựng được phần lớn, trục phố đi bộ đã kết nối ra đại lộ Nam Sông Mã… Nếu diễn biến thuận lợi, chỉ trong một vài năm tới, Sầm Sơn sẽ thêm một lần lột xác. Nhưng khác với bước ngoặt FLC, lần này bước ngoặt Sun Group sẽ đưa Sầm Sơn lên tầm siêu đô thị biển.

Phất lên

Dáng dấp siêu đô thị biển Sầm Sơn - Ảnh 1

Sự phát triển của Sầm Sơn đã đổi thay cuộc đời của hàng vạn phận đời. Từ chạy ăn từng bữa, người dân Sầm Sơn đã giàu lên trông thấy, đặc biệt là trong khoảng mười năm trở lại đây. Nhờ du lịch phát triển, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, sự xuất hiện của các đại dự án, người dân gặt hái được nguồn thu nhập lớn từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch: lưu trú, nhà hàng, bán lẻ, đưa đón khách… và nhất là từ kinh doanh bất động sản.

Tại Sầm Sơn, không hiếm người kiếm được tiền tỷ từ đầu tư, kinh doanh nhà đất. Đất đai ở thành phố đã tăng giá vùn vụt trong những năm qua, ví dụ như đất đai ở phường Trung Sơn, năm 2014 chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/m2 thì giờ đã lên tới 25 triệu đồng/m2. Đất dân trong ngõ giờ có giá 14 triệu đồng/m2, ngõ to hơn giá 20 triệu đồng/m2, đất ở vị trí đẹp, gần dự án du lịch lớn có giá 50 triệu đồng/m2, đất gần đền Độc Cước 80 triệu đồng/m2, đất mặt biển 120 triệu đồng/m2, thậm chí 200 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị du lịch sinh thái hai bên bờ sông Đơ, giá đất năm 2008 chỉ là 6 triệu đồng/m2, đến 2014 tăng lên 11 triệu đồng/m2 và giờ là 22 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Thanh Niên – Cải Dịch gần kề dự án của Sun Group hiện có giá 85 – 100 triệu đồng/m2, xa hơn một chút có giá 70 triệu đồng/m2, đất lô 2 có giá 35 triệu đồng/m2. Tại đại lộ Nam Sông Mã, giá đất mặt đường đứng ở mức 60 triệu đồng/m2, đoạn từ Sun Riverside Village đến mặt biển có giá 80 triệu đồng/m2.

“Làm ăn cả đời không bằng tiền lời lô đất”, việc mua bán đất đai ở Sầm Sơn có thể mang lại lợi suất 20% – 30%; nếu gặp sóng lớn, lợi nhuận có thể tính bằng lần. Chủ một sàn phân phối bất động sản tại Sầm Sơn cho biết giao dịch nhà đất tại thành phố khá nhộn nhịp, dù thời điểm hiện tại có phần chững lại, song giá nhà đất không bị suy giảm. Dân cư Sầm Sơn ngày càng đông lên, nhu cầu mua bất động sản để dành lớn. Người dân có tiền từ đền bù giải phóng mặt bằng những năm qua rất ưa thích găm giữ tiền bằng nhà đất, vì vậy giá được neo rất vững. Số khách hàng giàu có cũng không ít. Chuyện một người “ôm” vài căn liền kề, biệt thự trong các dự án nghỉ dưỡng là không hiếm.

Tuy vậy, điểm yếu của Sầm Sơn hiện nay là hoạt động kinh doanh vẫn nặng tính mùa vụ, chỉ có 3 tháng hè đỉnh cao, còn lại trầm lắng. Sóng nhà đất không phải khi nào cũng có và càng không phải là cuộc chơi dành cho số đông. Sầm Sơn vẫn tràn đầy triển vọng phát triển rực rỡ, song cần nhiều hơn hướng đi để đạt đến mục tiêu ổn định, bền vững và bao trùm.
 

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance