“Đất vàng” 122-124 Xuân Thủy giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá?

Khu đất 122 - 124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội vốn là trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco, doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP. Hà Nội. Song, khu đất trên lại không hề được bán đấu giá trước khi triển khai khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự “ưu ái” sai quy định của Thành phố Hà Nội?.

“Đất vàng” có sự ưu ái?

Theo tìm hiểu của PV, khu đất 122-124 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) trước đây là trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco. Khu đất vốn là bãi đỗ xe buýt, đồng thời là trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp thuộc Transerco.

“Đất vàng” 122-124 Xuân Thủy giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá? - Ảnh 1

Dự án Mipec Rubik 360 do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư

Tháng 9/2011, UBND TP Hà Nội có công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122-124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) với diện tích 39.662m2 để nhóm nhà đầu tư bao gồm: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty CP Hóa dầu quân đội và Công ty TNHH Hoa Cương lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.

Thành phố Hà Nội yêu cầu nhóm nhà đầu tư làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để xác định cụ thể phạm vi nghiên cứu, chức năng, công năng sử dụng, phương án thiết kế công trình cùng các vấn đề liên quan khác nhằm bảo đảm khớp nối đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực.

Tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: Mipec Rubik 360) được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỷ đồng. Sau đó, dự án được động thổ vào ngày 29/3/2019, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư.

Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập ngày 9/6/2016, mã số thuế là 0107469193 và trụ sở chính nằm ngay tại khu đất này, người đại diện pháp luật là ông Đào Ngọc Thạch. Hiện tại, doanh nghiệp này đang đăng ký tổng cộng 20 ngành nghề, trong đó ngành chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân đội (Mipec) là cổ đông lớn nhất với 51% cổ phần nắm giữ. Công ty Cổ phần Hoa Cương - doanh nghiệp có liên quan với Mipec nắm 21%. Trong khi chủ sở hữu đất là Transerco chỉ nắm 28%. Với tỷ lệ sở hữu này, Transerco không có “tiếng nói” tại dự án Mipec Rubik 360 dù là chủ sở hữu đất.

Theo chủ trương của Chính phủ, việc di dời nhiều nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm TP.Hà Nội là để giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành. Thế nhưng đi ngược lại mục tiêu ấy, vị trí đất vàng với tổng diện tích 38.545m2 này biến thành dự án có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 976 căn hộ và 9 căn biệt thự liền kề.

Dự án không qua đấu giá?

Vấn đề đặt ra ở đây là khi Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội cũng nhiều doanh nghiệp, nhà máy khác di dời để giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành theo chủ trương của Chính phủ, thì tại sao một dự án đi ngược lại chủ trương như Mipec Rubik 360 Xuân Thủy lại được chấp thuận để cung đường Cầu Giấy – Xuân Thủy vốn đã đông đúc sau khi gánh thêm tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội giờ lại thêm gánh nặng về giao thông?

Dự án Mipec Rubik 360 được đánh giá là đắc địa, nằm ở một trong những khu vực sầm uất của nội thành, cạnh các trục giao thông huyết mạch. Hơn nữa, đây cũng là vị trí nằm trong khu vực có hạ tầng đồng bộ và phát triển, trình độ dân trí cao, nơi tập trung nhiều trung tâm tài chính, ngân hàng, hệ thống y tế, giáo dục, mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và đồng bộ nên Mipec Rubik 360 Xuân Thuỷ thừa hưởng mọi dịch vụ, tiện ích của khu vực.

Trước rất nhiều lợi ích đến từ vị trí đắc địa, thêm vào đó, việc khu đất trên không được bán đấu giá trước khi triển khai khiến dư luận hoài nghi.

Một chuyên gia trên thị trường bất động sản chia sẻ, đối với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất do các cơ quan, tập đoàn, công ty quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng thì không được bán, chỉ được định giá, bán hóa giá – cổ phần hóa. Vì thế, đất này cần phải thu về làm đất công, bán đấu giá theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được duyệt trước.

Được biết, mặc dù chủ cũ của khu đất 122-124 Xuân Thuỷ là Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Transerco. Tuy nhiên TP Hà Nội lại chấp thuận về nguyên tắc việc chuyển mục đích sử dụng ô đất 122-124 đường Xuân Thuỷ, giao nhà đầu tư lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở mà không qua đấu giá. Khu đất thuộc sở hữu của TP.Hà Nội nhưng lại được chuyển giao, chuyển đổi mục đích không qua đấu giá tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách, gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước. 

Hồng Liên

Theo Chất lượng và cuộc sống