Dấu hiệu Hòa Phát chuyển giao quyền lực

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đăng ký bán ra 12 triệu cổ phiếu HPG, vừa vặn 3 người con của ông đăng ký mua vào đúng bằng số lượng này.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có thông báo về loạt giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cá nhân.

Trong đó, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT đã đăng ký bán ra 12 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 14% lượng cổ phiếu ông nắm giữ) với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân.

Các giao dịch sẽ được thực hiện theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 13/5 đến 12/6.

Việc bán ra lượng cổ phiếu này sẽ khiến tỷ lệ sở hữu của ông Dương tại Hòa Phát giảm từ 2,68% xuống 2,31%, tương đương 76,6 triệu cổ phiếu HPG.

Dấu hiệu Hòa Phát chuyển giao quyền lực - Ảnh 1
Ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Zing

Đáng chú ý, trong khi ông Dương muốn bán ra 12 triệu cổ phiếu HPG thì 3 người con của ông là Trần Gia Bảo, Trần Bảo Ngọc và Trần Ngọc Diệp lại đăng ký mua vào đúng bằng số lượng cổ phiếu này (mỗi người đăng ký mua 4 triệu đơn vị).

Mục đích của bên mua là tăng sở hữu cổ phần tại Hòa Phát và thời gian dự kiến diễn ra cũng từ 13/5 đến 12/6.

Với thị giá HPG hiện đạt trên 60.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch chuyển nhượng nói trên của ông Trần Tuấn Dương cùng người thân trong gia đình sẽ có giá trị hơn 700 tỷ đồng.

Tờ Zing lưu ý, động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư của Phó chủ tịch HĐQT Hòa Phát diễn ra không lâu sau khi ông rời ghế Tổng giám đốc doanh nghiệp sau 14 năm.

Sau khi rời ban điều hành, ông Dương vẫn là Phó chủ tịch HĐQT có nhiệm vụ cùng ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển tập đoàn trong 20-30 năm tới.

Ông Dương hiện vẫn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Gang Thép Hòa Phát, chịu trách nhiệm toàn bộ mảng sản xuất và kinh doanh thép của “vua thép”.

Trước đó, chia sẻ về việc chuẩn bị thế hệ lãnh đạo mới cho Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết: "Anh em bạn bè thường nói tôi là chủ tịch nhàn nhất thế giới vì có thời gian ăn sáng, cà phê đầy đủ, trưa lại ngồi cà phê với bạn bè, tối lại về nhà ăn cơm với gia đình, tuần đi chơi golf được 2 lần.

Được như thế là do thế hệ lãnh đạo kế cận mà chúng tôi hay gọi là F1, F2 đã có quá trình được bồi dưỡng, phát triển đầy đủ năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm và có bản lĩnh kinh doanh.

Ở Hòa Phát không có chuyện đi thuê giám đốc ở đâu đó về, các em F1, F2 đều trưởng thành và kinh qua từ những việc nhỏ nhất, đã có thời gian dài gắn bó với công ty, đã “ngấm” văn hóa công ty".

Ông Long cũng khẳng định, ở Hòa Phát, việc chuyển giao thế hệ đang làm từng bước khá tốt, nhưng vẫn có những khó khăn nhất định. Thế hệ mới được học hành, được cập nhật những thành tựu lớn nhất của thế giới, nhưng lại thiếu kinh nghiệm.

"Nhưng mình không thể ngồi kêu khóc về khó khăn. Khó khăn vẫn là khó khăn, quan điểm là tôi không thích nói về nó. Tôi mong các con tôi, con cái các thành viên hội đồng quản trị, tiếp nối cha anh đi trước, đưa tập đoàn ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là mong muốn thật lòng của tôi", ông Long chia sẻ, đồng thời cho biết Hòa Phát tự tin đã đào tạo được thế hệ kế cận tiếp nối văn hóa kinh doanh và làm dày thêm nền tảng phát triển của tập đoàn.

 

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt