Dấu hỏi về khả năng thanh toán ngắn hạn của Constrexim – HOD
Trong giai đoạn 2021 – 2022, Constrexim – HOD luôn lâm vào tình cảnh nợ ngắn hạn lớn hơn so với tài sản ngắn hạn, thậm chí lớn gấp nhiều lần. Điều này phản ánh khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp đang có vấn đề.
Nhận diện Constrexim – HOD
Nếu đi dọc đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, có thể dễ dàng nhìn thấy hai dự án chung cư cao tầng quy mô lớn mang tên Green Park và Golden Park, nằm cách nhau chỉ vài trăm mét. Hai dự án này, được khởi công lần lượt vào các năm 2010, 2018, khi xuất hiện đã gây được tiếng vang khá lớn, đưa Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Constrexim – HOD từ chỗ “ăn nhờ” danh tiếng công ty mẹ cũ, trở thành một tên tuổi lớn của thị trường bất động sản Hà Nội, đồng thời cũng đưa ông Nguyễn Đức Cây – chủ tịch công ty, lên hàng tốp doanh nhân địa ốc đất Thủ đô.
Ngược lại thời gian, Constrexim – HOD có tiền thân là Ban kinh doanh nhà (thành lập năm 2000), sau đó là Trung tâm Đầu tư kinh doanh Phát triển nhà (năm 2002) rồi Công ty kinh doanh phát triển nhà Constrexim (năm 2004) - thuộc Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Hodding, HNX: CTX) - Bộ Xây dựng.
Đến năm 2007, công ty thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành như hiện nay. Từ năm 2009, Constrexim – HOD đã thoát ly khỏi CTX. Thậm chí, cũng từ năm này, HOD quay sang “tranh giành” dự án với chính CTX mà dự án Green Park tại đường Dương Đình Nghệ nêu trên chính là dấu ấn đầu tiên.
CTX từ đó chỉ còn giữ lại một phần vốn khá nhỏ tại Constrexim – HOD, như là một khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cho tới hết quý II/2023, giá trị vốn góp của CTX tại Constrexim – HOD chỉ là 625 triệu đồng.
Constrexim – HOD bây giờ là cơ nghiệp của ông Nguyễn Đức Cây (sinh năm 1947). Ngoài trực tiếp làm chủ tịch của Constrexim – HOD, ông Cây cũng làm chủ tịch của đơn vị thành viên là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Tây Đô – chủ đầu tư dự án Golden Park. Trên website công ty, ông Cây cũng được giới thiệu là có chân trong Ban chấp hành VCCI (Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam) cũng như Ban chấp hành VnREA (Hiệp hội bất động sản Việt Nam).
Những điểm gợn trong bức tranh tài chính
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy Constrexim – HOD có quy mô tài sản tầm trung, đạt 618 tỷ đồng (2021), sau tăng lên 670 tỷ đồng (2022). Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tài sản là khoản đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào công ty con, chiếm hơn 60% - phản ánh rõ nét vai trò công ty mẹ của Constrexim – HOD.
Tuy nhiên, điều thú vị hơn nằm ở khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trị giá 0,848 tỷ đồng (2021) sau giảm xuống 0,218 tỷ đồng (2022). Đây là khoản tiền Constrexim – HOD đầu tư chứng khoán kinh doanh, song bị thua lỗ. Khoản thua lỗ năm 2021 là 1,621 tỷ đồng, tới năm 2022 đã tăng lên 2,251 tỷ đồng, gần như “bào sạch” giá trị đầu tư.
Các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu tài sản công ty, giá trị tuyệt đối chỉ khoảng vài chục tỷ đồng, song có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021 – 2022, với các khoản phải thu tăng gấp 3 lần và hàng tồn kho tăng gấp đôi.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Constrexim – HOD giai đoạn 2021 – 2022 lần lượt là 201 tỷ đồng và 224 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vì thế khá thấp, lần lượt là 0,48 lần và 0,5 lần.
Tuy vậy, điều bất ổn là nợ ngắn hạn của Constrexim – HOD cao hơn rất nhiều so với tài sản ngắn hạn: năm 2021 là 173 tỷ đồng/69 tỷ đồng (tức cao gấp 2,5 lần); năm 2022 là 211 lần/125 tỷ đồng (tức cao gấp 1,7 lần).
Việc nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn cho thấy khả năng thanh toán ngắn hạn của Constrexim – HOD đang có vấn đề. Công ty có khả năng không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ của mình khi tới hạn.
Trên thực tế, quy mô vốn bằng tiền của Constrexim – HOD cũng không phải lớn. Công ty đã kết thúc năm 2021 với chỉ 35 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Con số này ở năm 2022 cũng chỉ là 43 tỷ đồng. Trong 2 năm này, lưu chuyển tiền thuần của công ty luôn trong tình trạng âm, chủ yếu do “mải mê” đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2021- 2022 ghi nhận đà đi xuống của kết quả làm ăn. Doanh thu thuần từ 168 tỷ đồng giảm 23% xuống còn 129 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp giảm từ 120 tỷ đồng xuống 97 tỷ đồng, tương đương giảm 19%.
Điều đáng nói là dù dành tới 60% tài sản để đầu tư tài chính, song doanh thu tài chính của công ty trong 2 năm 2021 – 2022 lại rất èo uột, lần lượt đạt 1,4 tỷ đồng và 1 tỷ đồng, không tạo ra bất cứ sự hỗ trợ gì, trong khi các loại chi phí đều có sự tăng trưởng.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế đã giảm từ 84 tỷ đồng năm 2021 xuống 63 tỷ đồng năm 2022, tương ứng giảm 25%.
Được biết, Constrexim – HOD đang thực hiện một số dự án đầu tư khác, sau thành công của Golden Park. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy vào năm 2020, công ty đã phát sinh khoản vay với BIDV – chi nhánh Cầu Giấy với hạn mức 90 tỷ đồng, thời hạn vay 36 tháng, nhằm chi phí chi phí sử dụng đất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hồ Mật Sơn. Constrexim – HOD đã “cắm” cho BIDV quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại dự án khu dân cư hồ Mật Sơn theo hợp đồng thế chấp bất động sản số 01/2020/200591/HĐTC…