Đầu tư hàng loạt công ty con bị lỗ: Dấu hỏi lớn cho trách nhiệm sử dụng tiền Nhà nước tại SJC?
3/5 công ty con hiện tại của SJC đã rơi vào trạng thái không thể thu hồi vốn đầu tư và SJC phải trích lập hoàn toàn 100% khoản lỗ đầu tư.
3/5 công ty con hiện tại của SJC đã rơi vào trạng thái không thể thu hồi vốn đầu tư và SJC phải trích lập hoàn toàn 100% khoản lỗ đầu tư.
Những ngày gần đây, sự chênh vênh đến mức khó hiểu của giá vàng miếng SJC so với giá vàng quốc tế đã khiến nhiều người thực sự bức xúc. Họ không hiểu vì sao SJC lại khiến giá vàng trong nước “một mình một lối” so với thế giới như thế. SJC kinh doanh thế nào…
Sau bài viết “SJC mắc kẹt với giá vàng: Sự cong vênh vì sao mãi không thể giải quyết?” chúng tôi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn và nhận ra, là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhưng dường như, hoạt động kinh doanh của SJC đang “loạn”. SJC đầu tư vào nhiều công ty con và mất vốn sạch sẽ. Không chỉ thế, hoạt động huy động tiền cán bộ công nhân viên để mua bất động sản và rồi tiền mất, nhà không thấy đâu! Khoản tiền tích lũy cả đời của nhiều cán bộ công nhân viên có khả năng mất trắng!
Hàng loạt công ty con phá sản, giải thể
Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Theo báo cáo tài chính, vốn UBND TP.HCM đổ vào SJC lên đến 1.358 tỷ đồng. SJC kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ. SJC thành lập năm 1988.
Mặc dù SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia với ước mơ phát triển ngành kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế nhưng dường như, tình hình kinh doanh của SJC đang gặp phải rất nhiều vấn đề gây quan ngại. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của SJC, năm 2021 SJC đã phải đã cắt giảm nhân viên từ 538 người đầu năm còn 510 người.
3/5 công ty con hiện tại của SJC đã rơi vào trạng thái không thể thu hồi vốn đầu tư và SJC phải trích lập hoàn toàn 100% khoản lỗ đầu tư. Các công ty liên kết cũng không mấy sáng sủa khi mà SJC đã chấp nhận dự phòng toàn bộ hơn 18 tỷ đồng đầu tư vào Saigon Saindes, 4 tỷ vào SJC Đà Nẵng. Khoản đầu tư vào SJC Hà Nội cũng coi như “đi tong”. Theo báo cáo tài chính, Saigon Saindes đang hoàn tất thủ tục giải thể hoặc phá sản, SJC Chợ Lớn cũng sẽ giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện.
Sự thê thảm của công ty vàng đang nắm giữ thương hiệu vàng quốc gia không chỉ nằm ở chỗ đầu tư vào hàng loạt công ty con và mất trắng mà có đến 2 công ty liên kết với số vốn trọng điểm cũng đã phải trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư! Như vậy, có thể thấy, việc đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết của SJC đa phần không hiệu quả. Hàng chục tỷ đồng vốn của Nhà nước cứ thế ra đi cùng sự phá sản của những cửa hàng vàng hay những khoản đầu tư rủi ro mất vốn đến 100%. Không chỉ thế, năm 2021, SJC đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Báo cáo tài chính năm 2021 của SJC cho thấy, SJC vừa trải qua một năm làm ăn không mấy thuận lợi. Các khoản đầu tư vào các con, công ty liên kết, cửa hàng vàng không hiệu quả và các hạng mục còn lại cũng đang không mấy “vui”. Doanh thu năm 2021 đạt 17.689 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế lùi về 43 tỷ đồng, giảm sâu 22% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả kinh doanh thê thảm này là đã được “cứu” một phần từ hoàn nhập 20 tỷ đồng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư trong khi cùng kỳ chi phí hơn 31 tỷ đồng cho mảng này.
SJC chịu trách nhiệm ra sao khi huy động tiền nhân viên để mua nhà nhưng bị đối tác lật kèo, mất trắng?
Báo cáo tài chính còn cho thấy SJC đang vướng vào sự việc “khó hiểu”. SJC lâu nay theo dõi khoản thu tiền của nhân viên và các cá nhân khác hơn 46 tỷ đồng và khoản này đã đầu tư vào Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Nhã Vinh. Đây là khoản SJC ứng trước tiền xây dựng hạ tầng khu dân cư quận 12. Nhưng, cuối cùng, công ty Tân Nhã Vinh chậm giao nền nhà để SJC thực hiện giao lại nền nhà cho cán bộ công nhân viên và một số cá nhân bên ngoài. Như vậy, thu từ cán bộ công nhân viên và cá nhân khác là hơn 46 tỷ đồng nhưng đến nay, nền nhà không có.
Điều đáng nói là, việc “khởi kiện” này không phải mới xuất hiện gần đây mà từ rất lâu rồi SJC đã có khoản tiền “treo” rất lớn này. Từ báo cáo tài chính năm 2016, SJC đã có lưu chú về khoản nợ tiềm tàng trong tranh chấp liên quan Tân Nhã Vinh cho hợp đồng liên quan đến góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nhận nền nhà từ năm 2004. Nghĩa là, SJC đã kéo theo nhân viên và cá nhân khác vào một bản hợp đồng bị mắc kẹt từ năm 2004. Cũng không rõ vì đâu thủ tục khởi kiện Tân Nhã Vinh cứ trong trạng thái “đang làm thủ tục khởi kiện” suốt nhiều năm ròng từ trước 2016 đến nay! Ít nhất 6 năm nay, báo cáo tài chính năm nào của SJC cũng là “ĐANG”. Bộ hồ sơ khởi kiện của SJC không rõ vướng mắc gì mà tận 6 năm không chuyển dịch nổi thành chữ “ĐÔ?
Khoản phải thu này đã quá hạn nhiều năm ròng kéo theo hàng loạt nhân viên cũng như người ngoài “mắc kẹt” cùng SJC!
Trách nhiệm của SJC trở thành câu hỏi ngỏ cho bất kỳ ai!