Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng
Vừa qua, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã không ngừng đầu tư công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối vào hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng các công nghệ mới, gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data... giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng. Nhiều TCTD tại Việt Nam có trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
Đại diện ngân hàng Teckcombank cũng cho biết, ngân hàng liên tục ứng dụng những công nghệ mới nhằm xây dựng hệ sinh thái số bền vững. Những tiện ích từ hệ sinh thái số đã giúp Techcombank thu hút lượng khách hàng mới cao kỷ lục, lên đến 2,6 triệu khách hàng; nâng tổng số khách hàng Techcombank phục vụ đến cuối năm 2023 đạt 13,4 triệu. Đặc biệt nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng trong việc thực hiện các giao dịch điện tử, Techcombank ra mắt tính năng cập nhật dữ liệu sinh trắc học từ thẻ CCCD gắn chip và triển khai các biện pháp xác thực bằng sinh trắc học đối với giao dịch số hóa, theo yêu cầu của Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (NHNN) Đoàn Thanh Hải cho biết, hiện có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại, 16 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ; 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy, 22 tổ chức tín dụng đã triển khai cung cấp dịch vụ.
Từ ngày 1/7 tới, theo Quyết định số 234/QĐ-NHNN của NHNN, các ngân hàng phải phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc đã được ngân hàng lưu trữ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Hưng Nguyên cho hay, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý.