Địa ốc Sài Thành: Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 10 triệu đồng và giấc mơ ‘hồi sinh’ siêu dự án 5.000 tỷ là ai?
Vừa qua CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đã tạo một cơn ‘địa chấn’ trong giới đầu tư khi đăng ký với UBND TP.HCM về việc xin đầu tư lại dự án Saigon One Tower (tòa nhà cao ốc Sài Gòn M&C) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ VNĐ) khi dự án này đã ‘đứng hình’ nhiều năm.
‘Siêu’ dự án ‘đắp chiếu’ gần một thập kỷ
Kể từ sau thông tin Alpha King rót vốn vào giải cứu dự án năm 2017 thì mới đây dự án đứng im hơn 10 năm trên đất vàng - Saigon One Tower lại gây xôn xao giới địa ốc Sài Thành khi có một doanh nghiệp có số vốn chủ sở hữu ‘bé hạt tiêu’ đăng ký đầu tư hồi sinh dự án
Saigon One Tower có tên cũ là Saigon M&C Tower, nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1). Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sài Gòn One Tower - liên doanh của CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, DongABank, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 256 triệu USD được khởi công gần 10 năm trước, có thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2011. Khu đất được cho là có vị trị đắc địa bậc nhất thành phố mang tên Bác với diện tích 6.672m2
Thời điểm ban đầu, khu đất này dự kiến sẽ xây dựng tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2. Theo dự kiến sau khi hoàn thành, Saigon One Tower được xem là dự án cao thứ ba tại TP.HCM sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng.
Được khởi công từ năm 2007, tuy nhiên, sau khi xây dựng tới 80% khối lượng công việc, dự án đột nhiên bị ngưng thi công, rồi bỏ hoang từ năm 2011 đến nay.
Suốt những năm bị đắp chiếu và bị gán cho danh hiệu “dự án làm xấu bộ mặt thành phố”, nhiều năm qua, UBND TP.HCM cũng tiến hành rất nhiều cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Tháng 8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bất ngờ công bố thông tin đã thu giữ tòa nhà này để xử lý và thu hồi nợ do Công ty CP Sài Gòn One Tower thế chấp.
Đến tháng 3/2018, tòa nhà nói trên được VAMC bán đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, tuy nhiên không tìm được nhà đầu tư tham gia.
Mới đây, dự án này còn là tài sản trong vụ án của Công ty Sài Gòn One Tower vay vốn để đầu tư xây dựng cao ốc. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để chuyển đổi mục đích sử dụng từ thuê đất sang giao đất đối với phần diện tích xây dựng khối căn hộ. Vì vậy, dự án này chưa được phép chuyển đổi công năng, các căn hộ chưa được phép bán.
Danh tính doanh nghiệp ‘tí hon’ muốn hồi sinh ‘siêu’ dự án nghìn tỷ
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Di sản quốc tế Hồ Tràm được thành lập ngày 22/11/2019 với vốn điều lệ 300 triệu đồng. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở và trụ sở đặt tại 33 Đường số 8, Khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TP.HCM. Công ty này bao gồm 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Nguyễn Quốc Long góp 50% vốn và đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông cá nhân khác lần lượt là ông Lê Nguyên Thành góp 30% và ông Lê Quang Ngọc góp 20%.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, vốn thực góp của các cổ đông vào doanh nghiệp mới là 10 triệu đồng và tổng tài sản công ty mới đạt 8,94 triệu đồng.
Về phần ông chủ của Công ty quốc tế Hồ Tràm – ông Nguyễn Quốc Long, đây cũng là doanh nhân đứng tên đại diện tại Công ty CP Du lịch Hồ Tràm và Công CP Quốc tế Hồ Tràm. Trong đó, Công ty Quốc tế Hồ Tràm đã ngừng hoạt động.
Theo Nhadautu.vn, Công ty Du lịch Hồ Tràm chính là doanh nghiệp từng đề xuất đầu tư 3 dự án lớn ở Việt Nam với tổng vốn lên tới 100 tỷ USD hồi năm 2014. Trong đó, công ty công bố ký kết hợp tác cùng Dragon Best International (Hong Kong) để thực hiện các dự án.
Các dự án này bao gồm: Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM), tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD; Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư 18 tỷ USD; Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư 50 tỷ USD.