'Điểm đen' Ngã Tư Sở có thêm giải pháp giảm ùn tắc với tuyến đường mới nối đến Cầu Giấy
Dự án đường Vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
Theo đó, dự án đầu tư, cải tại tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) được đề xuất quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km với tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng tuyến đường Vành đai 2, giảm tải áp lực cho "điểm đen" ùn tắc của Thủ đô là Ngã Tư Sở, đồng thời phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Hiện tại, Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (trùng với đường Láng hiện nay) dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội từng đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy thuộc tuyến Vành đai 2, trong đó có phương án đường trên cao.
Bên cạnh dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, các dự án khác được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gồm:
- Dự án cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5.
- Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
- Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh.
- Dự án đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối với phố Trần Vĩ.
- Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3.
- Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3
- Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) và Quốc lộ 6
- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ Tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam, thuộc địa phận huyện Đan Phượng và Phúc Thọ
- Xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ga Cát Linh) và dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ga S10)
- Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B từ đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hòa (Km31+550 đến Km41+550).
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho cả 10 dự án. Trong đó, có 4 dự án Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND thành phố, Sở KH&ĐT thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 6 dự án đã hoàn thành phương án nghiên cứu và dự kiến trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay trong tháng 5/2024.