DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thay Tổng Giám đốc, cổ đông ngoại IFC thoái vốn

Ngày 16/08/2024, Công ty Cổ phần PVI (PVI) đã Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, thông qua một số quyết định quan trọng liên quan tới công tác nhân sự cấp cao

Biến động nhân sự cấp cao

Cụ thể, ĐHĐCĐ PVI đã phê chuẩn việc Hội đồng quản trị bổ nhiệm Ông Nguyễn Tuấn Tú giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI kể từ ngày 16/08/2024.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc PVI, ông Nguyễn Tuấn Tú là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL).

Ông Tú có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành Dầu khí, đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí như PTSC, Petecchim, PVOIL…

Ông Nguyễn Tuấn Tú - Tân Tổng Giám đốc PVI. Ảnh: PVI  
Ông Nguyễn Tuấn Tú - Tân Tổng Giám đốc PVI. Ảnh: PVI  

Cùng với đó, Đại hội đã bầu bổ sung hai vị trí thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 – 2027, trong đó ông Nguyễn Tuấn Tú đã trúng cử vị trí Thành viên HĐQT và bà Christine Nagel đã trúng cử vị trí Thành viên độc lập HĐQT, đảm bảo giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 08 thành viên.

Ông Nguyễn Tuấn Tú, Người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và bà Christine Nagel với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các công ty bảo hiểm / tái bảo hiểm trong hệ thống PVI mở rộng hơn nữa thị trường nước ngoài.

Cũng tại đại hội, ĐHĐCĐ PVI đã miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Xuân Hòa và miễn nhiệm Thành viên độc lập HĐQT đối với bà Tatiana Pecastaing Pierre.

Doanh thu ấn tượng, cổ đông ngoại IFC thoái vốn

Theo báo cáo kinh doanh của bảo hiểm PVI, tổng doanh thu – bao gồm cả doanh thu bảo hiểm, phi bảo hiểm và doanh thu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11.649 tỷ đồng, tăng 46%. Lợi nhuận trước thuế tăng 13%, từ 693 tỷ lên 787 tỷ đồng.

Với kết quả này, PVI đã vượt 35 - 38% so với kế hoạch của 6 tháng đầu năm. Hiện PVI là đơn vị dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam về vốn, thị phần và hiệu quả nghiệp vụ và đã duy trì được vị trí số 1 này nhiều năm liền.

Hiện PVI có 3 cổ đông ngoại đó là: HDI Global SE, Công ty TNHH Funderburk Lighthouse, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).

Gần đây nhất, HDI Global SE dự kiến mua vào 7 triệu cổ phiếu PVI, tạm tính theo thị giá của PVI trên thị trường chứng khoán, HDI Global SE có thể phải chi gần 400 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch nêu trên.

DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thay Tổng Giám đốc, cổ đông ngoại IFC thoái vốn - Ảnh 1

Ở chiều ngược lại, mới đây Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã đăng ký bán 9 triệu cổ phiếu PVI, sẽ không còn là cổ đông lớn.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo giao dịch của của Tập đoàn Tài chính Quốc Tế (IFC) cùng 2 quỹ thành viên vừa đăng ký bán tổng cộng 9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,84% của CTCP PVI (mã PVI-HNX) trong thời gian từ ngày 26/6-25/7.

Trong đó, IFC và 2 quỹ thành viên gồm IFC Financial Institutions Growth Fund (Quỹ Tăng trưởng hướng tới các định chế tài chính IFC) và IFC Emerging Asia Fund (Quỹ châu Á Mới nổi IFC) cùng đăng ký bán số lượng 3 triệu cổ phiếu PVI, tỷ lệ 1,28%, theo phương thức giao dịch theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, nhóm IFC sẽ không còn là cổ đông lớn của PVI với tỷ lệ sở hữu giảm từ 6% (hơn 14 triệu cổ phiếu) xuống còn 2,16% (hơn 5 triệu cổ phiếu).

Ngoài PVI, vừa qua IFC cũng đã có động thái thoái vốn hoàn toàn khỏi một tổ chức tài chính tại Việt Nam là Ngân hàng TMCP An Bình (Mã ABB) trong phiên 22/5.

Được biết, mới đây IFC cũng đầu tư vào Ngân hàng SeABank thông qua gói tài trợ trị giá 150 triệu USD, bao gồm 25 triệu USD trái phiếu xanh lam, 50 triệu USD trái phiếu xanh lá và khoản vay 75 triệu USD.

Xuân Thạch

Theo VietnamFinance