Đô thị lớn nhất Việt Nam dự chi 13.000 tỷ khơi thông 4 tuyến kết nối với cao tốc trọng điểm

4 dự án kết nối với đường cao tốc trọng điểm trên địa bàn thành phố dự kiến có tổng vốn đầu tư là hơn 13.000 tỷ đồng.

Theo báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi vừa giao Sở Giao thông Vận tải TP. HCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trường đầu tư các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông để kết nối với các tuyến cao tốc trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thời gian tới TP. HCM dự kiến triển khai 4 dự án nút giao, trong đó có 2 dự án kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành là nút giao với Quốc lộ 50 địa phận huyện Bình Chánh và nút giao kết nối với đường Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ. 2 nút giao còn lại, một là nút giao Gò Công và nhánh nối đường Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên Vành đai 3 TP. HCM; cuối cùng là nút giao Gò Dưa đến cao tốc TP. HCM - Chơn Thành đoạn trên địa bàn thành phố. Dự kiến, tổng vốn cho các dự án này khoảng 13.000 tỷ đồng.

TP. HCM đề xuất xây dựng thêm 4 nút giao với các cao tốc trọng điểm. Ảnh minh họa
TP. HCM đề xuất xây dựng thêm 4 nút giao với các cao tốc trọng điểm. Ảnh minh họa

Việc đầu tư các dự án nút giao kết nối với đường cao tốc trọng điểm trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng trong việc nâng cấp, hiện đại hạ tầng giao thông của đô thị lớn nhất nước. Đồng thời, các dự án này sẽ giúp kết nối liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại thuận tiện, mở ra cánh cửa kết nối với các vùng lân cận, đặc biệt là kết nối với điểm đến du lịch ở huyện Cần Giờ.

Cần Giờ là huyện duy nhất của TP. HCM giáo biển, nơi đây có tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên trong nhiều năm qua người dân "qua sông phải lụy phà", đặc biệt khó khăn giao thông trong mỗi lần mưa bão.

Khi cao tốc Bến Lức - Long Thành được đi vào hoạt động, một đoạn dài 38km sẽ ráp nối với Vành đai 3 TP. HCM tạo thành vòng tròn khép kín hoàn chỉnh, trở thành trục giao thông chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này khi được kết nối với nút giao đường Rừng Sác người dân trong vùng Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận có thể đến Cần Giờ nhanh hơn, giải quyết được "bài toán" giao thông đi lại vốn đã có vấn đề trong nhiều năm qua. 

Việc xây dựng nút giao kết nối với cao tốc là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa
Việc xây dựng nút giao kết nối với cao tốc là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa

Với nút giao giữa Quốc lộ 50 và Bến Lức - Long Thành, dự án đang được Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai. Quy mô nút giao giai đoạn 1 gồm xây dựng cầu vượt trên Quốc lộ 50 và vuốt nối đường đầu cầu với Quốc lộ 50 hiện hữu, đáp ứng 4 làn xe. Việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao sẽ tránh tình trạng nút thắt cổ chai trên Quốc lộ 50 khi trên tuyến đường này đang mở rộng lên 6 làn xe.

Còn ở TP. Thủ Đức - cửa ngõ phía đông của TP. HCM cũng đang có nhiều dự án lớn được triển khai như nút giao An Phú, đường vành đai 3 TP. HCM, khép kín các đoạn vành đai 2... Các dự án kết nối này đều có ý nghĩa quan trọng khi góp phần nâng cao hạ tầng giao thông, giải tỏa ách tắc cho thành phố, giúp kết nối thuận tiện các khu vực.

Giao thông thành phố Hồ Chí Minh là tổng hòa của nhiều loại hình giao thông hiện hữu phục vụ nhu cầu đi lại trong phạm vi thành phố và giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng lân cận. Là đô thị lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại với nhiều đường trục liên vùng lớn, hai đường cao tốc chính nối các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, cùng nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm (như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22). Tuyến đường Xuyên Á AH1 đi qua địa phận của thành phố này và tuyến Đường sắt Bắc Nam khởi đầu và kết thúc tại Ga Sài Gòn.

Chi Chi

Theo Chất lượng và cuộc sống