Doanh nghiệp bất động sản chạm tay 'tín dụng xanh': Đường còn xa!

Trong bối cảnh các nguồn vốn cho bất động sản ngày càng thắt chặt, các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bất động sản đang ráo riết tìm các hướng đi khác biệt, chuyên nghiệp, tạo nên các sản phẩm thực sự có tính cạnh tranh và tiếp cận được các nguồn tài chính mới như “tín dụng xanh”. Tuy nhiên hành trình chạm tay vào được nguồn tín dụng này còn không ít chông gai..

Nhiều cơ hội mới

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây cho biết, đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho OCB bank. Mục đích của khoản tín dụng này là hỗ trợ mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường tại Việt Nam, tạo ra những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh. Đặc biệt, các công trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà cho người thu nhập thấp cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của IFC.

HSBC Việt Nam cũng cho biết, tính tới tháng 8/2022, đã tham gia thu xếp được hơn 1,3 tỷ USD tài chính “xanh” cho Việt Nam, đạt được 10% mục tiêu đề ra, đồng thời tham gia hỗ trợ các dự án ESG và bền vững quan trọng tại Việt Nam. Đại diện HSBC chia sẻ, để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ HSBC thì doanh nghiệp cần chứng minh mục đích sử dụng vốn phải dành cho dự án ESG hoặc doanh nghiệp phải chứng minh được hướng phát triển bền vững, lộ trình thực hiện phát thải ròng bằng 0.

Ngân hàng Standard Chartered khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam huy động vốn, thu hút nguồn tài chính xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với triển khai các cam kết COP 26. Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) đang triển khai với rất nhiều ngân hàng trong nước nhằm cung cấp nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, bao gồm cả các dự án toà nhà tiết kiệm năng lượng, công trình xanh.

ESG, theo nghĩa tiếng Việt là Môi trường – Xã hội – Quản trị, là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Trước đây, lợi ích kinh tế luôn được cân đo với lợi ích Môi trường – Xã hội – Quản trị, khiến đầu tư vào ESG không được đánh giá cao. Chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, và nguồn tín dụng khó khăn thì việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG đã trở thành quan trọng, đôi khi quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp, bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh Việt Nam - Tổ chức tài chính quốc tế IFC chia sẻ.

Đại diện của NHNN cho biết, từ năm 2018, NHNN cũng đã ban hành đề án “Ngân hàng xanh” với mục tiêu đến năm 2025 có 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn. Có ít nhất 10-12 ngân hàng trong hệ thống có bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro môi trường xã hội, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Chạm tay… không dễ

Giám đốc điều hành của Tập đoàn Capital House, trong một hội thảo gần đây cho biết, doanh nghiệp này chưa tiếp cận được bất kỳ một gói tín dụng nào trong phát triển các dự án xanh từ phân khúc cao cấp cho tới các dự án nhà ở xã hội, mặc dù có tới 8 dự án được chứng nhận Edge, 3 dự án được chứng nhận Lotus, giá bán của các dự án này tốt hơn, thời gian tiêu thụ sản phẩm cũng nhanh hơn so với các dự án xung quanh có cùng điều kiện.

Đặc biệt hiệu quả vận hành của các dự án xanh vô cùng lớn và cư dân được hưởng lợi trong suốt vòng đời dự án. Như dự án Ecohome 3, được thẩm định và cấp chứng chỉ Edge Final, theo tính toán của chủ đầu tư, mặc dù chi phí phụ trội tăng lên khoảng 1-1,5% tương đương khoảng 19 tỷ đồng, nhưng quá trình vận hành dự án tiết kiệm được khoảng 1,7 triệu số điện/năm, tương đương 5 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 98.500m3 nước/năm tương đương 700 triệu đồng/năm.

Theo VCCI, các rào cản chính cho tín dụng xanh ở Việt Nam bao gồm: khung pháp lý về tín dụng xanh chưa đầy đủ, chưa có sự nhất quán trong quá trình triển khai chiến lược, cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trên cơ sở phối hợp hiệu quả trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy thị trường tín dụng xanh. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà đầu tư, chính quyền còn lúng túng trong việc nhận diện các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí được cấp tín dụng xanh.

Doanh nghiệp bất động sản chạm tay 'tín dụng xanh': Đường còn xa! - Ảnh 1Các tổ chức ngân hàng còn lúng túng trong việc nhận diện "tín dụng xanh".

Ông Hoàng An, giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Huy Hoàng (TP. HCM) cho hay, do thị trường bất động sản có phần trầm lắng, nên các chủ đầu tư tận dụng thời gian này để cải tiện hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, đưa thêm các tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận nguồn tín dụng xanh. Nhưng những văn bản pháp luật hiện đang chỉ dừng ở mức độ định hướng chứ chưa đủ để thực thi các công cụ tài chính xanh, đặc biệt cho các dự án bất động sản xanh cần vay tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh.

“Quy trình thủ tục cho các dự án được vay tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh còn chưa rõ ràng, chưa được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể mà tuỳ thuộc vào bên cho vay và bên vay có những thoả thuận riêng biệt. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành 'Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh' là cơ sở pháp lý quan trọng, tuy nhiên để vận hành được sẽ cần thêm những văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể mới có thể vận hành và đi vào thực tế”, ông An chia sẻ.

Theo một đại diện của Phòng Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) pháp luật hiện chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Còn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, chưa có ưu đãi về thuế, đất đai mà chỉ được xem xét hỗ trợ lãi suất nhưng cũng rất khó để tiếp cận. Hiện cũng chưa có hình thức ưu đãi nào về thuế, tài chính hay đất đai cho người mua nhà của các dự án bất động sản sử dụng hiệu quả năng lượng.

Một khảo sát của Savills vào năm 2021 cho thấy, các nhà phát triển bất động sản Việt Nam ngày càng quan tâm đến các chứng chỉ về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng trong vận hành để tiếp cận tín dụng xanh. Dẫu vậy, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 36 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ khoảng 1 triệu 184 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp xanh. Đối với công trình xanh ngay cả dư nợ đánh giá rủi ro môi trường xã hội, không phải là dư nợ tín dụng còn khá hạn chế, chiếm tỷ trọng 0,42% tổng dư nợ được cấp tín dụng xanh.

Nam Phương

Theo VietnamFinance