Doanh nghiệp địa ốc “nằm chờ” thủ tục

Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Xây dựng gần đây cho thấy, tính tới hết quý I/2024, trên cả nước có 984 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô khoảng 421.353 căn và 19 dự án được cấp phép mới, tương đương 9.774 căn.

Tuy nhiên, số lượng dự án hoàn thành mới chỉ là 10 dự án với quy mô khoảng 4.706 căn và khoảng 38 dự án đủ điều kiện bán hàng, tương đương 5.527 căn. Điều này có nghĩa là 95% dự án vẫn đang “nằm chờ” thủ tục.

Doanh nghiệp địa ốc “nằm chờ” thủ tục - Ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP-Invest kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, việc trợ lực cho thị trường bất động sản hồi phục sớm cũng là điều kiện để các doanh nghiệp ngành xây dựng sớm trở lại. Bởi khi dự án ách tắc, chủ đầu tư bí dòng tiền cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp ngành xây dựng không có nguồn thu.

Ông Hiệp cho biết, các doanh nghiệp xây dựng, trong đó phần lớn là lực lượng xây dựng dân dụng, đang vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận làm không có lãi, thậm chí lỗ để có nguồn việc. Thực trạng này cho thấy số lượng công việc đang quá ít, dẫn đến cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt, bởi nếu nhiều việc thì sẽ không xuất hiện động thái phá giá như hiện nay. Nói cách khác, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên chấp nhận việc “biết là sẽ chết từ từ nhưng vẫn phải làm”.

“Sau khi 3 sắc luật kể trên có hiệu lực mà số dự án bất động sản mới tăng lên, có nghĩa là các chủ đầu tư đã vào cuộc thật sự. Đó sẽ là dấu hiệu cho thấy rõ nhất việc luật có thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp”, ông Hiệp nhìn nhận.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, các văn bản luật cần có thời gian để đánh giá hiệu quả trong thực tiễn. Dù vậy, có thể thấy, các quy định mới hướng tới kiểm soát chặt chẽ hơn việc triển khai dự án bất động sản để hạn chế tình trạng “tay không bắt giặc”, “ôm đất chờ thời” của các chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, đồng thời hoạt động “phân lô, bán nền” cũng không còn dễ thực hiện. Với hoạt động môi giới, các quy định mới cũng siết rất chặt nhằm đảm bảo lực lượng này hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch hơn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sau giai đoạn khó khăn kéo dài, năm 2024 là thời điểm thị trường địa ốc cần trợ lực và quan trọng nhất là các luật mới đi vào thực tế, đồng thời với việc đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết để xử lý vướng mắc của các dự án, từ đó vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, vừa khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm tại một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.

Ông Trần Văn Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS đánh giá, những đổi mới trong các sắc luật mới sẽ giảm tải các thủ tục pháp lý, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Điều này sẽ góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp làm thật cũng sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai hơn, chi phí để phát triển dự án từ đó cũng có cơ hội được giảm xuống, qua đó góp phần “hạ nhiệt” giá nhà.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và Cuộc sống