Doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục lập kỷ lục tăng

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, cả nước có 13.174 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 123.936 tỷ đồng, tăng 50,7% về số doanh nghiệp và tăng 1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021

Chia sẻ với báo chí, nhiều nhà đầu tư cho biết họ đang phải gánh nhiều loại chi phí ngày càng cao, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp xây dựng bị tác động mạnh bởi giá nguyên vật liệu, nhân công tăng phi mã. Doanh nghiệp ngành thủy sản thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất; chi phí vận chuyển tăng cao...

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022 là 89.407, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục lập kỷ lục tăng - Ảnh 1

Hình minh họa

Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm là 3.335.810 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.006.058 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.329.752 tỷ đồng, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2021, với 31.235 lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn (tăng 13,2%).

Phân theo ngành nghề, có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của khu vực dịch vụ như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm; du lịch; hoạt động dịch vụ khác...

Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 7 tháng đầu năm 2022 lần đầu tiên vượt qua mức 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù tình hình gia nhập và tái gia nhập thị trường của doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc, song theo các chuyên gia, bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều diễn biến bất lợi khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Sau quảng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao; chuỗi cung ứng đứt gãy...

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, 7 tháng năm 2022, cả nước có hơn 94.570 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn trong số này (hơn 56.000 doanh nghiệp) lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Riêng tháng 7/2022, cả nước có 11.468 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể đều tăng; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như nhiều quốc gia đối tác quan trọng đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu cho ngành. Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá giữa các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động...

Gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh với các phương án ứng phó linh hoạt; chú trọng kiểm soát đà tăng giá… nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hồng Liên

Theo Chất lượng và cuộc sống