Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ: 'Cắm cờ' trên đất ngoại, về nước dựng nhà băng
Ông Đặng Khắc Vỹ, khi chưa đầy 40 tuổi, đã được đánh giá là “một trong những doanh nhân Việt Nam thành đạt nhất ở trong nước cũng như ở nước ngoài”.
Đổi vai
Hiếm có một ngân hàng nào mà 3 cổ đông sáng lập hiện giờ là chủ tịch của 3 ngân hàng khác nhau. Trường hợp đặc biệt đó là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Ý tưởng thành lập một ngân hàng do những người Việt ở nước ngoài góp vốn đã xuất hiện sau cuộc gặp gỡ giữa các doanh nhân người Việt ở nước ngoài với Thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt. Năm 1996, VIB ra đời với cái tên Ngân hàng Quốc tế Việt Nam - phản ánh rõ nét ý tưởng thành lập lúc ban đầu là huy động nguồn vốn quốc tế để phát triển Việt Nam. Bên cạnh 4 cổ đông cá nhân sáng lập gồm ông Đặng Khắc Vỹ, ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Chí Dũng và ông Hà Văn Hải, thuở ban đầu của VIB còn có sự góp mặt của 2 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Nếu như ông Trịnh Văn Tuấn rời cương vị Chủ tịch VIB vào năm 2008 để rồi trở thành “ông chủ” tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và ngồi lên ghế Chủ tịch ngân hàng này từ năm 2012 thì ông Ngô Chí Dũng - người bạn cùng trường, cùng khởi nghiệp với ông Đặng Khắc Vỹ và cùng thành công với thương hiệu mì Rollton nổi tiếng tại nước Nga - đã tìm được lãnh địa riêng cho mình tại VPBank vào năm 2010.
Ông Đặng Khắc Vỹ, mặc dù khi chưa đầy 40 tuổi đã được đánh giá là “một trong những doanh nhân Việt Nam thành đạt nhất ở trong nước cũng như ở nước ngoài” - trích báo cáo thường niên năm 2006 của VIB, nhưng cho tới tận năm 2013 mới ngồi lên cương vị Chủ tịch HĐQT VIB, sau một thời kỳ đầy xáo trộn về nhân sự cấp cao tại ngân hàng này khiến đích thân “ông chủ” họ Đặng phải “xuất trận”.
Nhìn lại, kể từ sau khi ông Trịnh Văn Tuấn rời khỏi ghế Chủ tịch VIB, ông Hàn Ngọc Vũ kế nhiệm vị trí này, nhưng thực ra với chính bản thân ông Vũ, đây không phải là cương vị mà ông “thuận tay” điều hành. Ông Vũ xuất thân là một nhà quản lý có tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, được đào tạo bài bài trong và ngoài nước, từng đảm nhiệm các cương vị như Giám đốc Kinh doanh toàn quốc kiêm Giám đốc Chi nhánh TP. HCM của ngân hàng Credit Lyonnais Việt Nam, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp toàn quốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của ngân hàng Citigroup Việt Nam trước khi “đầu quân” cho VIB với vai trò Tổng giám đốc từ cuối năm 2006. Dù rất giỏi nhưng dẫu sao, ông Vũ đến VIB với cương vị “làm thuê” và mới chỉ ngồi ghế Tổng giám đốc được khoảng 2 năm, trong khi cương vị Chủ tịch vốn dành cho một vị thủ lĩnh có sức ảnh hưởng đối với các cổ đông lớn của ngân hàng.
Dẫu có không “thuận tay”, ông Hàn Ngọc Vũ vẫn đảm đương được cương vị Chủ tịch trong thời gian tương đương một nhiệm kỳ, nhưng ghế Tổng giám đốc thì lại không được ổn định như vậy. Ông Ân Thanh Sơn, vốn là dân luật, được đôn lên làm Tổng giám đốc VIB từ vị trí Phó tổng giám đốc thường trực. Đến tháng 9/2011, bà Dương Thị Mai Hoa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VIB từ vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB. Tới tháng 1/2023, sau khi bà Hoa rời ghế Tổng giám đốc, một phó tổng giám đốc khác là ông Lê Quang Trung được đẩy lên làm Quyền Tổng giám đốc VIB với vai trò “đóng thế” trong 4 tháng chờ bà Đàm Bích Thủy - Phó Chủ tịch ngân hàng ANZ khu vực Mekong - sắp xếp công việc để chính thức ngồi ghế Tổng giám đốc VIB vào tháng 5/2013. Để rồi chỉ vài tháng sau, bà Thủy lại rời cương vị này.
Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng vẫn loay hoay vượt qua khủng hoảng, còn nội bộ VIB thì chưa ổn định được nhân sự đứng đầu ban điều hành, ông Đặng Khắc Vỹ buộc phải ngồi lên vị trí Chủ tịch HĐQT VIB và trả ông Hàn Ngọc Vũ về đúng vị trí phù hợp nhất với ông Vũ. Kể từ đó, bộ đôi Đặng Khắc Vỹ - Hàn Ngọc Vũ bước vào hành trình đưa VIB trở thành một thế lực mới trong ngành ngân hàng.
Sở dĩ mãi tới tận năm 2013, doanh nhân Đặng Khắc Vỹ mới nhận cương vị Chủ tịch VIB trong hoàn cảnh “không thể từ chối”, một phần là bởi cơ ngơi “mì ăn liền” đồ sộ ở nước ngoài. Không giống như nhiều doanh nhân Đông Âu khác, ông Đặng Khắc Vỹ vẫn đang sở hữu doanh nghiệp kinh doanh mì ăn liền tại châu Âu mang tên Mareven. Riêng tại Nga, quy mô của Mareven rất đáng nể, trong đó nổi tiếng nhất là thương hiệu mì Rollton, nhiều thời điểm chiếm tới gần nửa thị phần tại Nga. Do quá xa cách về mặt địa lý, ông Vỹ khó có thể trực tiếp “chỉ huy” cả hai doanh nghiệp lớn. Cái duyên với ngành mì ăn liền vẫn theo ông Đặng Khắc Vỹ về Việt Nam khi “đế chế” Uniben của vị doanh nhân này thành công với nhiều dòng sản phẩm nổi tiếng như mì REEVA, mì 3 Miền, trà mật ong BONCHA…
Bước lên “chiếu trên”
Không dễ để các ngân hàng “chiếu dưới” có thể bứt phá được lên “chiếu trên”, bởi trong một ngành có tính “truyền thống” cao như ngành ngân hàng, cuộc chơi dường như đã được an bài.
Tìm ra một phân khúc tiềm năng và dồn nguồn lực vào đó là cách mà VIB đã làm để bước lên “chiếu trên” trong ngành. Ngân hàng này một mặt tối đa hóa tăng trưởng tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý theo kiểu phân bổ hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng, mặt khác dồn nguồn lực phát triển mảng khách hàng cá nhân với tiềm năng đem lại biên lợi nhuận cao hơn, đồng thời dễ dàng tạo thêm các nguồn thu phi tín dụng như bán chéo bảo hiểm, các loại phí dịch vụ… Đây cũng là phân khúc khách hàng cho phép VIB có thể sáng tạo nhiều hơn trong tiếp cận cũng như cung cấp sản phẩm tài chính cho khách hàng, đúng với mục tiêu xuyên suốt mà ngân hàng này đặt ra từ trước khi doanh nhân Đặng Khắc Vỹ ngồi lên ghế Chủ tịch và không thay đổi cho đến tận bây giờ, đó là “trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”.
Giai đoạn 2013 - 2023 chứng kiến mức tăng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân cực kỳ ấn tượng của VIB và có lẽ là nhanh nhất trong ngành ngân hàng. Từ mức 19.093 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân vào cuối năm 2013, con số cuối năm 2023 đã lên tới 227.588 tỷ đồng, tức là tăng 11,8 lần trong vòng 10 năm.
Do dồn lực vào mảng khách hàng cá nhân, trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn không chế hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, nên dư nợ cho vay khách hàng cá nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của VIB. Nếu như cuối năm 2013, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 54,2% thì 10 năm sau, mức tỷ trọng lên đến 84,4%. Đỉnh điểm là cuối năm 2022, tỷ trọng này đạt tới 89,6%.
Chiến lược này đã đưa lợi nhuận sau thuế của VIB tăng phi mã trong 10 năm qua và điều đặc biệt là đưa VIB trở thành ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao nhất ngành ngân hàng xét theo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Tạm bỏ qua năm 2013 khi lợi nhuận của VIB đột ngột sụt giảm xuống dưới 100 tỷ đồng, năm 2014, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 648 tỷ đồng. Năm 2017, VIB đã đạt cột mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Và chỉ vài năm sau, vào năm 2022, ngân hàng này đã cán mốc lợi nhuận vạn tỷ.
Không chỉ bước lên “chiếu trên” về lợi nhuận, sau khi lên sàn chứng khoán vào năm 2017, thị giá cổ phiếu VIB cũng tăng phi mã, đưa VIB lên “chiếu trên” trong ngành ngân hàng xét về quy mô vốn hóa. Đáng nhớ nhất là giai đoạn 2020 - 2021, trong “cơn sóng thần” của thị trường chứng khoán Việt Nam, thị giá VIB tăng khoảng 5 lần chỉ trong vòng 1 năm. Hiện giá trị vốn hóa của VIB vào khoảng trên 54.000 tỷ đồng. Xét trong 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, giá trị vốn hóa của VIB xếp ở vị trí thứ 11 tính đến đầu tháng 9/2024.
Vĩ thanh
Hành trình thành công của doanh nhân Đặng Khắc Vỹ gửi gắm một thông điệp truyền cảm hứng: Không phải bây giờ mà đã từ lâu, doanh nhân Việt Nam đủ khả năng để chinh phục cùng lúc cả thị trường trong nước và nước ngoài. Điều đó hàm ý rằng, trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, không có lý do gì mà doanh nhân Việt Nam, bao gồm cả những doanh nhân trẻ, không thể tiến bước ra nước ngoài và thành công tại đó, thậm chí góp phần định hình xu hướng và tạo ra những giá trị mới trên thị trường thế giới.