Dồn lực đưa 19 dự án chậm tiến độ ở Khu Công nghệ cao Tp.HCM về đích đúng hạn
Tại buổi họp bao cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Tp.HCM ngày 17/10, bà Trần Thị Ngọc Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Tp.HCM chia sẻ, Khu công nghệ cao Tp.HCM đang đẩy mạnh tiến độ 19 dự án đầu tư bị chậm.
Theo bà Trần Thị Ngọc Chung, để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và tối ưu hóa việc thu hút vốn đầu tư, Ban Quản lý sẽ tập trung thúc đẩy các dự án mà Tp.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực như hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistics và công nghệ số.
Hiện nay, Khu công nghệ cao Tp.HCM đang thúc đẩy 19 dự án đầu tư chậm tiến độ, trong đó có 7 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024 và 12 dự án dự kiến khởi công trong năm 2025. Cụ thể, 7 dự án khởi công trong năm nay gồm: nhà máy sản xuất dược phẩm BIVID, nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị phụ trợ công nghệ cao, trung tâm đào tạo công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành, dự án sản xuất enzyme và sản phẩm dinh dưỡng y học sử dụng enzyme, dự án Trường đại học Fulbright, dự án nhà máy Nipro VN và dự án trung tâm dữ liệu HCMC1.
Được biết, 7 dự án trên phần lớn đã thực hiện xong thủ tục quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Đối với 12 dự án dự kiến khởi công năm 2025, phần lớn đang thực hiện thủ tục quy hoạch tổng mặt bằng, chờ điều chỉnh quy hoạch.
Trước đó, tháng 8/2024, UBND Tp.HCM ban hành Chỉ thị 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025, trong đó giao Ban quản lý Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức) hỗ trợ doanh nghiệp khởi công, thực hiện 19 dự án trong 2 năm tới. Hầu hết các dự án này đều thuộc diện chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chậm đưa đất vào sử dụng.
Ban quản lý cho biết sẽ đánh giá việc xem xét, gia hạn sử dụng đất đối với các dự án chậm tiến độ, làm cơ sở điều chỉnh tiến độ triển khai dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Ban quản lý Khu Công nghệ cao thụ lý song song các thủ tục đầu tư xây dựng cùng với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu công nghệ cao Tp.HCM có 108 dự án đang hoạt động, chiếm 66,6% tổng số dự án. Ngoài ra, còn 54 dự án chưa đi vào hoạt động, chiếm 30,2%, trong đó có 5 dự án tạm ngừng hoạt động, tương đương hơn 3%. Về thu hút đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, Khu công nghệ cao đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gồm 4 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1,95 triệu USD và 1 dự án của nhà đầu tư trong nước với vốn 573,4 tỷ đồng. "Những dự án này tuy có quy mô đầu tư không lớn, nhưng thuộc nhóm ngành ưu tiên thu hút, có hàm lượng công nghệ cao và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao", bà Chung nhấn mạnh tại buổi họp báo.
Tính lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao Tp.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực cho 162 dự án với tổng vốn đầu tư tương đương 12,1 tỷ USD. Trong đó, có 52 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 10,1 tỷ USD và 110 dự án trong nước với vốn 48.384 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).