DSC: Dư nợ margin cao kỷ lục, tự doanh 'thoát hàng' trước 'bão' thuế
Bám sát kế hoạch lập kỷ lục kinh doanh trong năm 2025, DSC bất ngờ trở thành công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I.
Cuối tuần qua, Công ty CP Chứng khoán DSC (HoSE: DSC) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025, qua đó trở thành công ty chứng khoán đầu tiên công bố kết quả kinh doanh.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của DSC đạt 131 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng tăng trưởng 19% so với quý liền trước.
Cụ thể, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 44 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm mạnh 51%, còn 3 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu tăng trưởng 20% lên 57 tỷ đồng – tiếp tục đóng vai trò là nguồn thu chủ lực.

Trong khi đó, chi phí hoạt động trong quý giảm mạnh 29%, về mức 26 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức 11 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, chi phí lãi vay đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 28 tỷ đồng.
Kết quả, DSC lãi trước thuế 67 tỷ đồng, giảm 10% so với nền cao của cùng kỳ năm trước, nhưng tăng tới 103% so với quý IV/2024.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 4/4/2025, cổ đông DSC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 260,2 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt 12,6% và 18,3% so với năm 2024. Trong trường hợp hoàn thành kết hoạch, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất DSC từng đạt được trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Như vậy, kết thúc quý I, DSC đã hoàn thành 23% chỉ tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, bám khá sát kế hoạch lập kỷ lục kinh doanh.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của DSC đạt 5.353 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn với giá trị hợp lý 2.296 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chứng chỉ tiền gửi (CDs). Giá trị cổ phiếu niêm yết trong danh mục FVTPL giảm mạnh từ 320 tỷ đồng về gần 76 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán này đã chốt lời ngay trước khi thị trường đối mặt với "cơn bão" thuế quan từ Mỹ.
Danh mục HTM giữ nguyên ở mức 270 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán (UTTB) đạt mức cao kỷ lục 2.233 tỷ đồng, tăng gần 83 tỷ đồng so với đầu kỳ. Riêng dư nợ margin đạt 2.145 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của DSC tính đến cuối quý I/2025 là 2.908 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Phần lớn là các khoản phải trả ngắn hạn từ các ngân hàng BIDV (1.474 tỷ đồng), Vietcombank (414 tỷ đồng), PGBank (470 tỷ đồng), ACB (400 tỷ đồng) và VPBank (100 tỷ đồng).
Một diễn biến đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, DSC đã trình cổ đông ba phương án tăng vốn điều lệ, hướng tới mục tiêu nâng vốn từ 2.048 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng. Việc tăng vốn được kỳ vọng sẽ củng cố năng lực tài chính, mở rộng dư địa phát triển cho các hoạt động tự doanh, cho vay margin và ngân hàng đầu tư – những mảng được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong giai đoạn tới.