Dư nợ cho vay trung - dài hạn tại ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay
Kết thúc 6 tháng đầu năm, cho vay trung - dài hạn tại VIB ở mức 112.711 tỷ đồng, chiếm 82% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại OCB đang là 72% và SHB đang là 63%.
Gia tăng tỷ trọng cho vay trung dài hạn
Theo khảo sát, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, VIB đang có 112.711 tỷ đồng cho vay trung - dài hạn, trong tổng số hơn 137.903 tỷ đồng dư nợ cho vay. Tính ra, VIB đang dành tới 82%/tổng dư nợ để cho vay trung và dài hạn. Cho vay ngắn hạn ở mức 25.192 tỷ đồng.
Tại SHB, tính đến cuối tháng 6/2020 cho vay trung - dài hạn tăng thêm 21.639 tỷ đồng lên 181.366 tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ. Cho vay ngắn hạn ở mức 106.012 tỷ đồng.
Tiếp đến, dư nợ cho vay trung - dài hạn tại LienVietPostBank là 110.162 tỷ đồng (tăng 12.788 tỷ đồng), chiếm 72%.
Trong khi cho vay trung - dài hạn của OCB ở mức 55.954 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay trung – dài hạn tại Techcombank ở mức 151.516 tỷ đồng, chiếm 65%.
Tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cho thấy tỷ lệ cho vay trung và dài hạn/ tổng dư nợ thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của nhóm tư nhân.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2020, tổng dư nợ cho vay của Vietcombank ở mức 770.744 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay trung - dài hạn của ngân hàng ở mức 367.899 tỷ đồng (tăng thêm 17.548 tỷ đồng), chỉ chiếm gần 48% tổng dư nợ.
Tương tự, cho vay trung và dài hạn tại BIDV ở mức 428.293 tỷ đồng (tăng thêm 11.026 tỷ đồng) chỉ chiếm 38% tổng dư nợ. Tại Agribank tỷ lệ này đang là 43%.
Thực tế, nợ cũ chưa thu hồi được, trong khi nợ mới tăng đã đẩy dư nợ trung – dài hạn tăng cao.
Rủi ro cao
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cho vay kỳ hạn dài rất hấp dẫn vì giúp nhà băng có được lãi biên cao hơn, từ đó củng cố lợi nhuận chung. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống trong tương lai lớn hơn vì cho vay kỳ hạn càng dài thì rủi ro càng cao, nhất là trong điều kiện tỷ trọng vốn ngắn hạn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu nguồn vốn huy động nói chung.
Thực tế, việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn có thể đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng do chi phí trả lãi cho các khoản vốn này là thấp. Nhưng nếu các ngân hàng sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng, gây mất cân bằng cơ cấu nguồn vốn, tăng nợ xấu…
Theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/10/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 37%, thay vì mức 40% như hiện tại.
Có lẽ do lo ngại dư nợ tín dụng trung - dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng tới khả năng tuân thủ của các ngân hàng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22, trong đó có việc xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn với 2 phương án: Hoặc là 6 tháng, hoặc là 12 tháng.
Theo NHNN, việc giãn thời gian áp dụng là nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.
Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22:
- Phương án 1 - lùi thời hạn áp dụng thêm 6 tháng: Từ 1/1/2020 đến 31/3/2021 thì tỷ lệ là 40%; từ 1/4/2021 đến 31/3/2022 giảm về 37%; từ 1/4/2022 đến 31/3/2023 giảm tiếp về 34% và giảm xuống mức 30% kể từ 1/4/2023.
- Phương án 2 - lùi thời hạn áp dụng thêm 1 năm: Từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 thì tỷ lệ là 40%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 giảm về 37%; từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 giảm tiếp về 34% và giảm xuống mức 30% kể từ 1/10/2023.
Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/du-no-cho-vay-trung--dai-han-tai-ngan-hang-tang-manh-trong-nua-dau-nam-nay-d81642.html