Đường huyết mạch nội đô dọc sông Tô Lịch sắp được chi 17.000 tỷ để 'lên đời': Xóa 'điểm đen' của giao thông Thủ đô
Một trong những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô Hà Nội sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng lên 53,5m với tổng chi phí đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội vừa có bảo cáo gửi UBND thành phố về tình hình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn. Một trong số các dự án được để cập đến là dự án mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, gồm đoạn dưới thấp với kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao 3.900 tỷ đồng.
Sở đã đề xuất chia thành hai dự án riêng biệt và ưu tiên triển khai phần mở rộng đoạn dưới thấp, dài 3,8km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Dự án có quy mô mặt cắt rộng 53,5m, gấp đôi đường Láng hiện tại (đang có mặt cắt mỗi chiều 10,5m), tốc độ thiết kế đạt 80km/h và trở thành trục chính đô thị. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng và chi phí xây lắp là 541 tỷ đồng.
Các hạng mục đầu tư chính bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, nền đường, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng và hào kỹ thuật, cùng với việc nghiên cứu cải thiện đồng bộ tại các nút giao thông.
Đường Láng là một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô Hà Nội và thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với quy mô hiện tại, lưu lượng tối đa đạt 3.000 phương tiện/giờ, nhưng giờ đây đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ. Cùng với đó, điểm cuối của đường Láng còn là nút giao Ngã Tư Sở - điểm đen tắc nghẽn nổi tiếng nhất Hà Nội, mỗi ngày oằn mình gánh 250% lưu lượng phương tiện tối đa.
Dự án mở rộng đường Láng được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở và phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Vào năm 2019, đường Láng đã từng được Thủ đô Hà Nội thực hiện mở rộng mặt đường bằng việc xén vỉa hè. Hè bên phải đường Láng được xén, mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông Tô Lịch, 476 cây xanh được di chuyển hoặc chặt hạ trên trục đường này song vẫn không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn.